Hàng nghìn ca nhập viện vì thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới. Đáng nói, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh tăng gấp 3,1 lần.

Hàng loạt hệ lụy nguy hiểm

Ngày 3/5, thông tin về các biện pháp phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo nguy hại của thuốc lá điện tử (Ảnh: H.Hải).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo nguy hại của thuốc lá điện tử (Ảnh: H.Hải).

Theo PGS Khuê, thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BV).
Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BV).

Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

"Theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới", PGS Khuê thông tin.

Cũng theo ông Khuê, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ, Việt Nam cũng đã ghi nhận.

Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định: "Thuốc lá điện tử là một sản phẩm gây hại. Hầu như tuần nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử.

Trong 2 năm qua, Trung tâm tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc này có những ca lên tới cả trăm triệu đồng".

Theo chuyên gia này, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao.

Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều là các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

PGS Khuê cũng chỉ ra thực trạng, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỉ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác để sử dụng.

Làm tăng nguy cơ hút thuốc ở người trẻ

Theo PGS Khuê, các sản phẩm thuốc lá mới còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có mẫu mã, hình thức đa dạng, bắt mắt giới trẻ
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có mẫu mã, hình thức đa dạng, bắt mắt giới trẻ

"Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng; Tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma túy do không có sự ngăn chặn kịp thời", PGS Khuê bày tỏ sự lo lắng.

Lãnh đạo Quỹ PCTH thuốc lá cho biết, Bộ Y tế đã 2 lần nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

Theo thống kê của WHO, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela).

Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Các báo cáo cho thấy chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được bán dưới dạng sản phẩm cai thuốc lá do không chứng minh được dữ liệu lâm sàng.

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm.

Nguyên do vì thuốc lá điện tử gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn như thuốc lá thông thường. Theo WHO, trên thế giới, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường đã khiến cho 8 triệu người tử vong mỗi năm (7 triệu do hút thuốc trực tiếp và 1.2 triệu do hút thuốc thụ động).

Tại Việt Nam, WHO ước tính sử dụng thuốc lá gây ra ít nhất 40 ngàn ca tử vong mỗi năm. Chi phí điều trị mới 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).

"Những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là trong giới trẻ, khi mà tỉ lệ hút thuốc lá mới ở nhóm này tăng nhanh", PGS Khuê nói.

dantri.com.vn

Đọc thêm

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.