Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay 27/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia góp ý các nội dung về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quy định đối với người đi lao động nước ngoài; làm rõ nguyên tắc xác định “mức tham chiếu” thay cho mức lương cơ sở, mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản..
Không vì tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng
Vềđối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu vấn đề: Dự thảo luật mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong đó có: chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp… quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương, tỷ lệ đóng BHXH hằng tháng là 25% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm (vào quỹ ốm đau, thai sản 3% và quỹ hưu trí, tử tuất 22%). Trong khi các đối tượng khác như cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các doanh nghiệp, cũng tỷ lệ đóng nộp 25%, có 2 bên tham gia (người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 17%).
Đại biểu cho rằng, theo quy định như dự thảo luật, chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải “gánh hai vai”, vừa là người sử dụng lao động, vừa là người lao động đóng cả 25%.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng nhận định, báo cáo của Chính phủ chỉ đánh giá tác động tích cực là nếu mở rộng các đối tượng này sẽ gia tăng bao nhiêu người tham gia đóng BHXH, từ đó sẽ tăng quỹ BHXH với số liệu thống kê rất đầy đủ. Tuy nhiên, ngược lại, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động thì báo cáo chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu minh chứng rằng nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng BHXH bắt buộc?
Để làm rõ hơn về vấn đề này, đại biểu dẫn chứng vừa qua thực hiện một cuộc khảo sát dưới hình thức phỏng vấn sâu tới một số đối tượng là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi được hỏi quan điểm của họ về việc tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc với tỷ lệ đóng và căn cứ đóng như quy định trong dự thảo luật thì có đến 70% người được hỏi trả lời là không muốn tham gia, không có nhu cầu tham gia, 30% trả lời là việc tham gia này không nên là bắt buộc, mà phải là tự nguyện.
Từ đó, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự án luật, đảm bảo công bằng đối với các đối tượng này so với các đối tượng đóng BHXH khác. Không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu và nguyện vọng của các đối tượng; theo đó, cũng cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia BHXH là bắt buộc hay tự nguyện.
Cần linh hoạt trong đóng BHXH đối với người đi lao động nước ngoài
Đối với người lao động là người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu quy định đóng BHXH đã có trong Luật BHXH hiện hành và Luật số 69/2020/QH14 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan BHXH tại các địa phương phản ánh rất khó thu BHXH đối với các đối tượng này.
Đối với các đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài (đặc biệt là xuất khẩu lao động), thời gian đi làm việc theo hợp đồng thường ngắn, rất nhiều trường hợp người lao động đi xuất khẩu lao động thời hạn 3 - 5 năm, sau đó về nước làm nghề tự do và thu nhập không ổn định, sẽ gặp khó khăn khi phải đóng BHXH hằng tháng với mức 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, với thời gian tối thiểu là 15 năm đối với nữ và 20 năm đối với nam mới được tính để hưởng lương hưu. Từ đó, đại biểu nhận định, đối với các đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian ngắn 3-5 năm đi lao động ở nước ngoài, muốn hưởng chế độ BHXH hưu trí và tử tuất thì phải đóng thêm 10-12 năm nữa, nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng.
Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về quy định chế độ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trong hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động.
Theo đó, đại biểu đề xuất, thời gian đi lao động ở nước ngoài quy định đóng BHXH bắt buộc, nhưng khi người lao động đó về nước nếu thu nhập không ổn định và liên tục, có thể chuyển sang đóng BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với loại hình BHXH này, thời gian đóng BHXH được tính liên tục kể từ khi bắt đầu đóng BHXH. Hoặc nếu những đối tượng này không có khả năng đóng tiếp, Nhà nước cần có chính sách chuyển đổi chế độ BHXH nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng tham gia BHXH.
Đồng bộ chính sách BHXH với chính sách tiền lương mới
Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu: Dự thảo luật BHXH tại Điểm a, Khoản 1 Điều 30, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, hiện tại, chế độ tiền lương mới đang được xây dựng dựa trên cơ sở vị trí việc làm, chưa được ban hành. Dự thảo luật mới lần này bổ sung thêm Khoản 12 Điều 4 về “mức tham chiếu” (hàm ý thay cho tiền lương cơ sở) là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong luật này.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để tính mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH thì cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán, còn mức tham chiếu là chỉ sự thay đổi sẽ khó xác định dự toán, kế hoạch BHXH. Bên cạnh đó, báo cáo chưa làm rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu, việc xây dựng mức tham chiếu được thực hiện như thế nào.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ khẳng định, tiền lương làm căn cứ để tính mức đóng, mức hưởng BHXH là vấn đề quan trọng, được các đối tượng tham gia quan tâm trước tiên. Một khi cơ sở để tính toán chưa có thì việc tính toán BHXH liệu có khả thi? Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc lại việc Luật BHXH thông qua trước bảng lương do Nhà nước quy định.
Mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản cho người thân phục vụ phụ nữ sinh con
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ ghi nhận dự thảo luật đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (khoản 2, Điều 55). Tuy nhiên, đại biểu nêu vấn đề, trong thực tế hiện nay, một số phụ nữ không kết hôn hoặc đơn thân nhưng vẫn có nhu cầu có con có xu hướng tăng nên những đối tượng này cũng cần được hưởng chính sách của Nhà nước về người chăm sóc khi sinh con.
Do vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ thai sản đối với đối tượng phụ nữ đơn thân (ví dụ mẹ hoặc chị em gái hoặc người thân,…) như sau: “người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đăng ký phục vụ người phụ nữ sinh con”.
Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.