Đại chiến sầu riêng ở Đông Nam Á

Vì những lý do khác nhau, Thái Lan và Singapore đang đứng ngồi không yên vì Malaysia lăm le tìm đường xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, thị trường đang hút hàng với giá cao.

dai chien sau rieng o dong nam a

Các quan chức chính phủ Malaysia tại một sự kiện khởi động cho Lễ hội Vua sầu riêng tại Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua - Ảnh: FB

Sầu riêng, thứ trái cây nhiều người thích và cũng lắm người ghét, đang khiến ngành nông nghiệp ba nước Malaysia, Singapore và Thái Lan gầm ghè nhau. Cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào một khi "trọng tài" Trung Quốc đứng giữa nổ phát súng hiệu.

Mọi chuyện bắt đầu khi Lễ hội Vua sầu riêng (Durian King Festival) kéo dài 3 ngày do Chính phủ Malaysia tài trợ bắt đầu khai mạc ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây hôm thứ sáu (27-10).

Cuộc chơi của các đại gia nông nghiệp

Các quan chức nông nghiệp Malaysia không hề giấu giếm mục đích của Lễ hội Vua sầu riêng, đó là đặt viên gạch mở đường vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc không cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia, chỉ trừ các sản phẩm đông lạnh.

Viễn cảnh giới hạn trên được dỡ bỏ không khỏi khiến các nhà nông Malaysia thèm thuồng, nhưng nó cũng đồng thời khiến các nước láng giềng Singapore và Thái Lan cảm thấy "đắng nghét".

Singapore sợ nếu Trung Quốc bật đèn xanh cho sầu riêng Malaysia, nó sẽ đẩy giá loại trái cây này lên ngất ngưỡng vì các nhà bán lẻ Singapore buộc phải cạnh giành nguồn cung với giới thương lái giàu có của Trung Quốc.

Còn Thái Lan, nhà sản xuất sầu riêng hàng đầu thế giới, sợ Malaysia sẽ đặt dấu chấm hết cho vị thế gần như độc tôn của họ tại thị trường Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Kuala Lumpur đã cố gõ cánh cửa Trung Quốc - thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới - nhưng không thành. Việc Bắc Kinh cấp phép cho Malaysia nhập 4 tấn sầu riêng tươi phục vụ cho lễ hội tại Nam Ninh là quả ngọt đầu tiên người Malaysia được hưởng sau từng ấy nỗ lực.

Đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia Shabery Cheek và Chủ tịch Quốc hội Pandikar Amin Mulia dẫn đầu phái đoàn nước này đi quảng bá sầu riêng tại Trung Quốc. Ban tổ chức Lễ hội Vua sầu riêng dự kiến đón khoảng 100.000 người yêu thích loại trái cây này đến tham quan và tìm hiểu.

Tranh thủ "lấy lòng" nước chủ nhà, Kuala Lumpur còn tung hô sự kiện này như một cách ủng hộ dành cho sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh với tham vọng khôi phục lại Con đường tơ lụa cổ xưa.

dai chien sau rieng o dong nam a

Trang Facebook quảng bá cho Lễ hội sầu riêng của Malaysia - Ảnh: FB

Niềm tự hào quốc gia

Trung Quốc phụ thuộc vào quốc gia cung cấp sầu riên chính yếu là Thái Lan, một phần vì sầu riêng Thái Lan có thể được thu hoạch trước khi chín, thuận lợi cho việc vận chuyển ra nước ngoài.

Sầu riêng Malaysia, ngược lại, thường được để chín trên cây và chóng hư hỏng sau thu hoạch, khiến việc xuất khẩu sang Trung Quốc khó hơn nhiều so với nước láng giềng Singapore.

Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc đối với loại sầu riêng Mao Shan Wang (hay Musang King) của Malaysia tăng vọt trong những năm gần đây. Nhằm phần nào giải tỏa nhu cầu, từ năm 2011, Tổng cục Quản lý chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc đã cho phép nhập sầu riêng Musang King từ Malaysia dưới dạng đông lạnh.

Không ai mừng hơn nông dân Malaysia. Giá sầu riêng Musang King chất lượng AAA bán ra ở thị trường nội địa đã tăng lên gần 700.000 đồng (tính theo tiền VN)/kg so với mức 270.000 đ/kg cách đây 5 năm. Tại Trung Quốc, cùng loại sầu riêng này bán ra gần 800.000 VND mỗi kg.

Nhiều khách du lịch Trung Quốc khi viếng thăm Malaysia thậm chí cất công đóng gói, hút chân không sầu riêng tươi để mang lên máy bay về nước.

Cùng với việc giao thông trở nên thuận tiện hơn, nhiều người kêu gọi dỡ bỏ lệnh giới hạn nhập khẩu sầu riêng Malaysia.

Sẽ thật tuyệt nếu Malaysia xuất sầu riêng nguyên trái vào Trung Quốc. Đồ tươi lúc nào cũng ngon hơn đóng gói"

Cô Yu Zhen, một viên chức ở Hàng Châu (Trung Quốc)

Tuy vui mừng trước viễn cảnh xuất sầu riêng đi Trung Quốc, một số nhà nông Malaysia lại lo lắng về khả năng đáp ứng hợp đồng.

"Luôn có rủi ro đi kèm. Chẳng hạn, thậm chí nếu anh thu hoạch 600 tấn mỗi ngày trong 5 ngày, người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng tiêu thụ 1.000 tấn mỗi ngày, và họ muốn anh đáp ứng nhu cầu đó" - ông Stepehn Chow, người sở hữu nhiều đồn điền sầu riêng ở bang Pahang (Malaysia), giải thích.

Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong chuyến công du đến Bắc Kinh thậm chí đã tặng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc 43 quả sầu riêng Musang King, tượng trưng cho 43 năm hai nước thiết lập quan hệ chính thức.

Singapore lo hút hàng, giá tăng

Tại Singapore, giới buôn bán lo công việc làm ăn của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi cơn thèm sầu riêng Malaysia của người Trung Quốc. Giá cả tăng cao có thể kéo tụt nhu cầu ăn sầu riêng của dân Singapore.

Đảo quốc sư tử với 5,6 triệu dân nhập khẩu 17.847 tấn sầu riêng trong năm ngoái, và 93% số này đến từ Malaysia.

Để so sánh, Trung Quốc nhập khẩu 594.128 tấn sầu riêng trong năm ngoái, trong đó bao gồm 301.700 tấn tái xuất từ đặc khu Hong Kong, theo báo SCMP.

"Cuối cùng thì mọi thứ phụ thuộc vào việc người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu. Nếu giá sầu riêng tăng quá cao, chúng tôi sẽ phải bán ít lại. Làm ăn là vậy" - ông Steven Shui, chủ cửa hàng Ah Seng Durian nổi tiếng Singapore, cho biết.

Tôi nghĩ sắp tới sầu riêng Malaysia loại 2 sẽ được bán ở Singapore, loại tốt hơn thì qua Trung Quốc vì thị trường bên đó lớn và hấp dẫn hơn"

Ông Marc Ashley, một nhà buôn sầu riêng ở Singapore

Dân Singapore đã bắt đầu than phiền về giá sầu riêng cao trong năm nay, nguyên nhân do thời tiết ở Malaysia xấu dẫn đến sản lượng thấp. Giá 1kg sầu riêng Musang King bán ra ở Singapore đã gần chạm 700.000đ, tăng từ mức hơn 450.000đ năm ngoái.

Ông Marc Ashley, một nhà buôn sầu riêng ở Singapore chuyên bán hàng Thái Lan, cho biết tuy mọi việc chưa chính thức nhưng viễn cảnh Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng Malaysia đã khiến các nông dân Thái đứng ngồi không yên.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.