Trong ngày 15/10, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh đã làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tại 2 huyện Hương Sơn và Đức Thọ gồm: cơ quan công an, nhà tạm giữ, viện KSND và TAND huyện.
Tại đây, đoàn đã kiểm tra việc phổ biến, quán triệt, truyền thông về Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10) của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Đoàn cũng đã xem xét quá trình giải thích thông báo, thông tin về TGPL cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được TGPL và hướng dẫn tiếp cận các thông tin TGPL; đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng…
Một số nội dung khác trong quá trình kiểm tra gồm thông báo thời gian, địa điểm lấy lời khai bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng; công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng; thực hiện thống kê, báo cáo các hoạt động phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng…
Ông Trần Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh - thành viên đoàn kiểm tra cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-HĐ ngày 31/1/2024 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh năm 2024, hội đồng đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra. Qua các buổi làm việc, các cơ quan tiến hành tố tụng tại Đức Thọ và Hương Sơn đã tích cực tuyên truyền về Thông tư liên tịch số 10; kịp thời hướng dẫn, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn; chỉ đạo cơ quan điều tra, cán bộ thụ lý để chuyển thông báo đến trung tâm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL”.
Thời gian qua, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng được Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, trung tâm thực hiện 361 vụ việc TGPL, trong đó, tư vấn hướng dẫn pháp luật 86 vụ việc, tham gia tố tụng 223 vụ việc. Các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên luôn chủ động nắm bắt thông tin người được TGPL, bám sát địa bàn cơ sở, tăng cường các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nhiều vụ việc các ý kiến tranh tụng, đề xuất của người thực hiện TGPL đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, góp phần bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nhờ TGPL trong hoạt động tố tụng, đương sự, bị can, bị cáo được giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để từ đó, hiểu và nhận thức đúng về quyền lợi, mức hình phạt tương xứng, phù hợp với hành vi phạm tội. Ngoài ra, các trợ giúp viên pháp lý cũng đã phân tích để đương sự, bị can, bị cáo hiểu rõ về hành vi của mình gây ảnh hưởng đến xã hội, góp phần, ngăn ngừa, hạn chế tái phạm.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương còn lại. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, chú trọng hình thức tư vấn tiền tố tụng, tư vấn những nội dung pháp luật cần thiết liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, phát triển KT-XH; đẩy mạnh về số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, đổi mới hoạt động tranh tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đảm bảo 100% người thuộc diện được TGPL có yêu cầu đều có trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; chú trọng truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, tổ chức TGPL; định kỳ bố trí cán bộ trực tiếp nhận các thông tin của người dân và giải đáp các vướng mắc về pháp luật”.