Đằng sau thừa nhận của Mỹ về tên lửa hành trình Nga

Tướng Không quân Glen Vanherk hiện là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ (USNORTHCOM).

“Nga là mối đe dọa số 1 với người dân và quân đội Mỹ. Họ phát triển và tạo ra những loại vũ khí không tồn tại cách đây 20 năm”, ông Glen Vanherk phát biểu trực tuyến tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm 19/8.

Những thông tin từ tình báo quân sự Mỹ có được cho thấy, Điện Kremlin có tên lửa hành trình với tiết diện radar rất nhỏ và tàu ngầm không thua kém các đối tác Mỹ.

Tướng Vanherk lưu ý rằng các khoản đầu tư của Nga vào năng lực không gian và mạng đang làm trầm trọng thêm mối đe dọa. Theo ông, mục tiêu của Moscow là kiềm chế Washington và “đè bẹp ý chí của Mỹ”.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình.

Vị tướng này trước đó đã lên tiếng về vũ khí của Nga. Ông nói hồi tháng 10/2020 rằng vũ khí siêu thanh từ các nước đối thủ, bao gồm cả Nga đang thách thức các hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ.

Thừa nhận của tướng Vanherk một lần nữa cho thấy, việc đối phó với tên lửa hành trình vẫn là điểm yếu nhất trong hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Mỹ.

Đánh giá về sự nguy hiểm của tên lửa hành trình so với những vũ khí, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Washington (CSCI) có trụ sở tại Washington, Thomas Karako nhận định:

"Nếu như hệ thống phòng thủ chống lại các dòng tên lửa đạn đạo của đối phương đang được chú trọng phát triển, thì việc phát triển các phương án và phương tiện phòng thủ chống lại tên lửa hành trình diễn ra rất chậm chạp.

Điểm tạo ra sự nguy hiểm và khác biệt lớn nhất của tên lửa hành trình so với các dòng vũ khí tấn công khác đó chính là quỹ đạo bay của nó.

Nếu như tên lửa đạn đạo cần được tên lửa đẩy đưa lên tầng cao của bầu khí quyển sau đó sử dụng quán tính và sơ tốc cao để tiếp cận mục tiêu, thì tên lửa hành trình lại có khả năng cơ động ở độ cao thấp đến rất thấp (bám địa hình) ngay từ giai đoạn đầu tiên của pha phóng".

Nhiệm vụ quan trọng hiện tại là hệ thống phòng thủ Mỹ phải được củng cố để đối phó với các mối nguy cơ từ tên lửa hành trình, đặc biệt là từ Nga, nước đang sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng bắn tới lãnh thổ nước Mỹ.

Để khắc phục tình trạng này, giới chức quân sự Mỹ hiện tính tới hai khả năng chính đối phó với tên lửa hành trình là việc lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh giới trên máy bay chiến đấu F-16 hoặc máy bay không người lái.

Phương án này đảm bảo được hiệu quả phòng thủ, nhưng lại bị giới hạn bởi thời gian và tầm hoạt động của phương tiện bay. Trong khi đó, một phương án khác là việc lắp đặt thiết bị cảnh giới trên các khinh khí cầu cỡ lớn.

Chưa rõ hiệu quả của phương án này, nhưng giới chuyên gia quân sự đánh giá đây là cách làm quá tốn kém. Mặc dù vậy, Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống này cách đây vài năm.

Theo đó, Mỹ đã quyết định đưa vào lực lượng dự bị chiến lược các khí cầu phòng thủ tên lửa JLENS do công ty Raytheon phát triển và sản xuất. Hệ thống gồm 2 khinh khí cầu dùng khí heli, có chiều dài hơn 73 m, trang bị 1 radar trên khoang mạnh, được đưa lên độ cao hơn 3.000 m.

Hệ thống được giữ bằng các sợi cáp vững chắc, cho phép xây dựng một hệ thống bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và các khu dân cư trước nhiều mối đe dọa, trong đó có các phương tiến công đường không có người lái và không người lái, cũng như tên lửa hành trình.

Hiện nay, quân đội Mỹ đã mua 2 hệ thống này và chúng sẽ trở thành phương tiện dự bị chiến lược của họ. JLENS bắt đầu được phát triển vào năm 2005. Hệ thống cũng có thể phát hiện xuồng, xe thiết giáp, bệ phóng tên lửa cơ động và tên lửa đường đạn chiến thuật đang phóng đi, tên lửa hành trình.

Khí cầu JLENS có thể bay treo trên không trong 30 ngày đêm, liên tục truyền thông tin đến các sở chỉ huy và cho các vũ khí đánh chặn như các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, tên lửa SM-3 và tiêm kích trang bị tên lửa AMRAAM. Cự ly phát hiện mục tiêu của JLENS là đến 550 km.

Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói