Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Hương Khê (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) là “điểm tựa” để người nông dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết theo hướng hàng hóa, gia tăng lợi nhuận.

Chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả có múi theo hướng hàng hóa là phương án sản xuất – kinh doanh mà nhiều nông dân huyện miền núi Hương Khê đang mạnh dạn theo đuổi nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong hành trình đầu tư phát triển quy mô để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, người sản xuất đã được Agribank Hương Khê đồng hành hỗ trợ tiếp vốn.

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp quy mô lớn.

Sau thời gian dài chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, năm 2020, gia đình ông Lê Đình Nam (thôn Phố Cường, xã Gia Phố) xây dựng thêm chuồng trại để chuyển hướng khai thác.

Từ chỗ chăn nuôi tự chủ quy mô nhỏ, ông Nam bắt tay liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để tránh tình trạng bấp bênh, mất giá. Hơn 2 năm đầu tư làm ăn lớn, đến nay gia đình ông có 4 chuồng nuôi khép kín, quy mô mỗi chuồng từ 400 – 600 con/lứa, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Gia đình ông Lê Đình Nam được Agribank Hương Khê cho vay 1,6 tỷ đồng chăn nuôi lợn liên kết.

Ông Lê Đình Nam chia sẻ: “Từ năm 1995, khi mới bắt tay vào chăn nuôi, kinh phí hạn hẹp, tôi đã được ngân hàng cho vay vốn. Quy mô chăn nuôi ngày càng lớn mạnh cũng là lúc nguồn vốn vay dần gia tăng. Hiện nay, gia đình tôi còn dư nợ Agribank Hương Khê 1,6 tỷ đồng. Có vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn hiện đại và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên chúng tôi yên tâm phát triển mô hình”.

Được biết, trong giai đoạn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, gia đình ông Lê Đình Nam cũng đã được ngân hàng cho vay theo gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cũng như có các động thái cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ… từ đó giúp khách hàng giảm bớt áp lực về kinh tế.

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Gia đình anh Nguyễn Đình Khang (xã Gia Phố) vệ sinh chuồng trại để thả 11.000 con gà lứa mới.

Hiện nay, chăn nuôi gà liên kết cũng là hướng đi mà nhiều nông dân huyện Hương Khê chú trọng. Với lợi thế đất đai rộng lớn, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư quy mô chuồng trại hàng nghìn đến hàng chục nghìn con/lứa. Gia đình anh Nguyễn Đình Khang (xã Gia Phố) cũng được Agribank Hương Khê “bơm vốn” để chăn nuôi gà liên kết với doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Đình Khang cho hay: “Chỉ có chăn nuôi liên kết quy mô lớn mới mong phát triển bền vững nên tháng 4/2021, gia đình đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 2 chuồng nuôi gà theo tiêu chuẩn. Quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi được Agribank hỗ trợ vốn vay gần 1 tỷ đồng. Đến nay qua 3 lứa nuôi (quy mô 11.000 con/lứa), bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình tôi thu về khoảng 20 triệu đồng và còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương ổn định".

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Được Agribank Hương Khê tiếp vốn từ những ngày khởi nghiệp...

Phát triển cây ăn quả có múi như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây kết hợp trồng dó trầm quy mô lớn là mục tiêu mà gia đình bà Đinh Thị Hóa (thôn 1, xã Hương Đô) theo đuổi hàng chục năm nay.

Năm 1991, gia đình bà tiên phong vào khai khẩn đất hoang, xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vượt qua nhiều gian khó, đến nay gia đình bà đã sở hữu trang trại 20 ha với quy mô 7.000 gốc cam, 500 gốc bưởi Phúc Trạch và trên 1.000 cây dó trầm đã cho khai thác. Những năm gần đây, gia đình đã trồng mới 2,4 vạn cây dó trầm, gỗ sao đỏ... Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình đã lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bà Đinh Thị Hóa phấn khởi: “Để có kết quả như hôm nay, gia đình tôi đã được Agribank Hương Khê tiếp sức từ những ngày đầu khởi nghiệp. Hiện nay, gia đình tôi đang dư nợ hàng tỷ đồng để đầu tư chăm sóc cam, bưởi theo chiều sâu và trồng mới để tăng thêm tỷ lệ phủ xanh đất đồi. Có vốn vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi, chúng tôi mạnh dạn phát triển kinh tế vườn đồi quy mô lớn, mang về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm”.

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

... đến nay mô hình trang trại vườn đồi của gia đình bà Đinh Thị Hóa (xã Hương Đô) cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa của gia đình ông Nam, anh Khang, bà Hóa là 3 trong số hàng chục mô hình nông nghiệp quy mô lớn của huyện Hương Khê đang được Agribank tài trợ vốn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Agribank Hương Khê cho biết: “Tổng dư nợ của đơn vị hiện đạt trên 1.300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Linh hoạt về thủ tục, hồ sơ, giải ngân vốn kịp thời với lãi suất ưu đãi, nhiều nông dân trên địa bàn đã được ngân hàng “trao cơ hội” để đầu tư nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, mô hình liên kết với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao”.

Agribank Hương Khê tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Tổng dư nợ của Agribank Hương Khê hiện đạt trên 1.300 tỷ đồng.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân trước những tác động của đại dịch COVID-19, từ năm 2021 lại nay, Agribank Hương Khê triển khai gói vay hỗ trợ đối với những khách hàng bị ảnh hưởng đại dịch. Lãi suất thấp (chỉ 4,5%/năm - trong 6 tháng đầu), gói vay nhanh chóng thu hút hàng nghìn khách hàng trên địa bàn tham gia.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn giá rẻ cùng những động thái tích cực từ ngân hàng như: cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, miễn giảm các loại phí…, nông dân Hương Khê đang mạnh dạn tiếp cận vốn vay Agribank để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đầu tư theo hướng hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast