Lập dự án bồi thường, tái định cư vùng ảnh hưởng quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Suốt hơn 20 năm, 70 lô đất ở thuộc phường Đại Nài, Văn Yên và Nam Hà nằm trong quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh bị “mắc kẹt”, chưa được giải phóng mặt bằng nay đã có phương án tháo gỡ.

Hơn 20 năm “mắc kẹt” trong quy hoạch

Lập dự án bồi thường, tái định cư vùng ảnh hưởng quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh

Hiện nay, quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh vẫn còn 70 lô đất ở được cấp từ năm 1993 trở đi.

Theo hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường - UBND thành phố Hà Tĩnh, năm 2000, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh với quy mô diện tích 40,28 ha tại 3 phường: Đại Nài, Văn Yên và Nam Hà.

Trong quy hoạch còn 70 lô đất ở phải thực hiện thu hồi, bồi thường và bố trí tái định cư (trong đó có 10 hộ đã xây dựng nhà ở và các công trình tạm).

Theo nguồn gốc sử dụng đất, số đất này được UBND các xã giao đất từ năm 1993 trở đi, gồm: 48 lô nằm trên đường Hoàng Xuân Hãn thuộc phường Đại Nài; 16 lô nằm trên đường 26/3 đoạn II (từ đường Lê Khôi đến Hoàng Xuân Hãn); 5 lô bám dãy 2, 3, 4 tuyến đường 26/3 (phường Văn Yên) và 1 lô nằm giữa công viên trung tâm thành phố đã làm nhà ở thuộc phường Nam Hà.

Do nằm trong quy hoạch nên các hộ gia đình có đất tại khu vực này không được cấp phép để xây dựng mới cũng như sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp.

Tháng 9/2018, UBND tỉnh đồng ý giao UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City. Công ty CP Crystal Bay đề nghị tài trợ toàn bộ chi phí khảo sát và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm cả khu vực công viên trung tâm. Đến nay, việc kêu gọi các nhà đầu tư chưa hoàn thành nên công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu vực bị ảnh hưởng cũng chưa triển khai.

Thực trạng này đã làm khó người dân trong thời gian dài. Nhiều lần, những hộ có đất bị ảnh hưởng đã gửi đơn kiến nghị, trao đổi trực tiếp để mong các cấp chính quyền giải quyết quyền lợi chính đáng.

Lập dự án bồi thường, tái định cư vùng ảnh hưởng quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh

Ông Lê Hữu Tam - tổ dân phố Tân Yên có 1 lô đất bám đường 26/3, hiện đã được UBND thành phố cấp bìa hồng vào năm 2015.

Ông Trương Hồng Lĩnh - chủ lô đất trong vùng quy hoạch (hiện đã sinh sống tại phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm 1993, tôi được xã Thạch Yên (cũ) giao 2 lô đất để làm nhà ở. Mãi đến năm 2010, tôi được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến nay, tôi vẫn không thể làm nhà ở vị trí lô đất của mình do vướng quy hoạch. Hiện, tôi đã phải mua đất làm nhà ở nơi khác”.

Còn ông Lê Hữu Tam - tổ dân phố Tân Yên (phường Văn Yên), gia đình có 1 lô đất rộng 120 m2 bám đường 26/3. Hiện nay, ông và gia đình người con trai đầu đang phải ở chung tại khu vườn cũ.

“Chúng tôi đã nhiều lần đã làm đơn, tiếp xúc cử tri, các phiên tiếp công dân để kiến nghị chính quyền cấp đổi đất vị trí khác cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Tôi rất mong chính quyền thành phố, UBND tỉnh giải quyết dứt điểm tồn đọng này để chúng tôi được xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống” - ông Lê Hữu Tam chia sẻ.

Ra nghị quyết, bổ sung dự án bồi thường, tái định cư

Lập dự án bồi thường, tái định cư vùng ảnh hưởng quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh

Khu vực công viên trung tâm còn vướng đất ở của người dân nên chưa được chỉnh trang, đầu tư.

Năm 2018, từ đề xuất chính đáng của người dân, UBND thành phố đã đề xuất tỉnh cho phép thực hiện cấp đổi đất ở cho các hộ nằm trong quy hoạch công viên trung tâm. Sau nhiều lần kiến nghị, trên cơ sở thống nhất của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đã có 3 văn bản, gồm: số 8062/UBND-NL2 ngày 18/12/2018, số 6987/UBND-NL2 ngày 21/10/2020 và mới nhất là số 2295/UBND-NL2 ngày 16/4/2021, đồng ý cho phép UBND thành phố Hà Tĩnh sử dụng số lô đất còn lại trong tổng số tối đa 10% số lô đất (sau khi đảm bảo bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng của 5 dự án đầu tư thuộc vốn vay Bộ Tài chính trên địa bàn thành phố) để bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch công viên trung tâm.

Tiếp đó, ngày 11/5/2021, Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh cũng ban hành văn bản 1662/STNMT-ĐT1 về việc xử lý kiến nghị của UBND thành phố Hà Tĩnh về hướng dẫn thu hồi, bồi thường đất khu vực này.

Ông Thân Viết Văn - Trưởng phòng Tài Nguyên & Môi trường TP Hà Tĩnh cho biết: “Chính sự quyết liệt của chính quyền thành phố, sự vào cuộc của các sở, ngành và thống nhất của UBND tỉnh đã tạo điều kiện để UBND thành phố lập dự án trình HĐND thành phố bổ sung danh mục dự án đầu tư công năm 2021. Theo đó, Nghị quyết 16/NQ-HĐND ngày 4/8/2021 được ban hành, trong đó, quyết định bổ sung dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các hộ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch công viên trung tâm, đảm bảo việc thực hiện mang tính khả thi và đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Lập dự án bồi thường, tái định cư vùng ảnh hưởng quy hoạch Công viên trung tâm TP Hà Tĩnh

Trên đường 26/3, có hộ dân đã làm móng để xây dựng nhà ở nhưng đành phải “treo” suốt hơn 20 năm qua.

Nghị quyết quy định tổng mức đầu tư dự án là 126,802 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố (được quy đổi thành đất ở) và được thực hiện trong năm 2021 - 2022.

Chuẩn bị cho lộ trình này, trước đó, UBND thành phố đã chủ động rà soát quỹ đất, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; cập nhật vào danh mục thu hồi đất các công trình dự án năm 2021 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Đồng thời, TP Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các phường Văn Yên, Đại Nài, Nam Hà thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành kê khai và phối hợp Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Hà Tĩnh - Cẩm Xuyên giao đất trên thực địa, khảo sát cụ thể diện tích đất các hộ bị ảnh hưởng để tiến hành các bước bồi thường, tái định cư theo quy định.

Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng thành phố đã hoàn thành bước lập đề cương dự án và trình UBND thành phố phê duyệt đề án. “Các gia đình bị ảnh hưởng trong vùng quy hoạch chủ yếu là đất chưa sử dụng nên quá trình thực hiện gặp khó khăn trong việc quy chủ sử dụng. Vì vậy, đề nghị người dân có đất cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các UBND phường để sớm thực hiện dự án” - ông Thân Viết Văn cho biết thêm.

Chủ đề Đô thị loại II

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast