Dạy học tương tác - cô hăng say, trò hứng thú!

(Baohatinh.vn) - Là một trong những địa phương sớm thực hiện tinh thần đổi mới giáo dục, đến nay, ngành giáo dục Thạch Hà đã cơ bản khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo của người học.

Áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đối tượng học sinh (HS), giờ đây, những giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Thạch Vĩnh đã trở nên hấp dẫn, sôi nổi như cuộc trao đổi giữa cô và trò.

day hoc tuong tac co hang say tro hung thu

Giờ học ở Trường Tiểu học Thạch Vĩnh trở nên sôi nổi hơn nhờ sự đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức của giáo viên.

Em Nguyễn Đoàn Khánh Ly, HS lớp 5A cho biết: “Với em, những giờ học đã trở nên cuốn hút hơn nhiều, đặc biệt là giờ Tiếng Việt. Cách vào bài nhẹ nhàng, hấp dẫn của cô, cách cô hướng dẫn giọng đọc phù hợp với cảm xúc, những hình ảnh trên máy chiếu đã làm em thêm say mê, yêu thích môn học này”.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở Thạch Hà đã được thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng rõ nét nhất là từ năm học 2015-2016 lại nay. Đó là sự đổi mới trong từng giờ giảng, từng môn học mà giáo viên biết tổ chức linh hoạt các hoạt động học tập; HS hứng thú khám phá kiến thức mới.

“Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi giờ đây không chỉ là những giờ dạy trình diễn với sự chuẩn bị đầy đủ, chi tiết mà đã thành ngày hội để giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp giảng bài. Cảm hứng trong những giờ dạy ấy là sự tương tác tích cực từ những ý tưởng mới mẻ của HS. Đó cũng chính là lý do chất lượng giáo dục đại trà nói chung và chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng ở Thạch Hà ngày càng được khẳng định” - cô Nguyễn Thanh Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết.

Song song với việc đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, ngành giáo dục Thạch Hà còn phát huy sức sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong xây dựng kế hoạch, xây dựng kho dữ liệu hệ thống chủ đề giáo dục theo từng nhóm khối. Trên cơ sở đó, hoạt động ngoại khóa góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng và ý thức trách nhiệm của công dân đối với HS được thể hiện rõ nét.

Cô Trần Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Vĩnh cho hay: “Với HS vùng nông thôn, tôi nghĩ cái thua thiệt so với HS thành phố không hẳn là kiến thức mà là kỹ năng sống. Thế nên, để có thêm thời gian cho các hoạt động tập trung ngoài giờ, thời gian qua, trường đã tích hợp một số môn như: Âm nhạc - mỹ thuật, thủ công - kỹ thuật… Quỹ thời gian dành được, hàng tuần chúng tôi tổ chức cho các em những sân chơi tập thể, hoạt động ngoài giờ liên khối”.

Ở Thạch Hà, việc hình thành kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm cho HS còn được thầy cô và nhà trường thực hiện bằng những hoạt động theo chủ đề hàng tháng như: Tháng 9 - em yêu trường em, tháng 10 - mẹ và cô giáo, tháng 11- tri ân thầy cô, tháng 12 - tập làm chiến sỹ… Sự đổi mới dễ nhận thấy trong môi trường giáo dục ở Thạch Hà còn thể hiện ở cảnh quan môi trường thân thiện, xanh, sạch đẹp, những ngày hội tiếng Anh, hoạt động “nắng sân trường” được tổ chức liên cụm, phong trào sinh hoạt các CLB dân ca ví, giặm…

Điều đáng nói hơn, những hoạt động truyền thống còn được tổ chức qua các hoạt động ngoại khóa, góp phần bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương cho HS. Có thể kể đến các hoạt động như: Giúp các gia đình chính sách dọn vệ sinh nhà cửa; tặng quà tri ân; những chuyến “về nguồn”; các buổi trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề ngay tại mỗi địa phương…

Em Nguyễn Thị Thu Hà - HS Trường Tiểu học Thạch Long cho biết: “Những chuyến trải nghiệm thực tế cùng bạn bè và thầy cô giúp em tự tin hơn trong giao tiếp, có thêm hiểu biết về xã hội. Em ấn tượng nhất là những trải nghiệm về nghề đan lát của quê hương, càng tự hào về những bàn tay khéo léo, sự cần cù, chịu khó và những cố gắng của cha ông để vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Sự đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đã mang về cho giáo dục Thạch Hà thành tích đáng trân trọng, là huyện thuộc top đầu của tỉnh với 6/9 tiêu chí xếp loại xuất sắc. Đối với các thầy, cô giáo, điều đáng mừng từ nỗ lực ấy không chỉ là thành tích chung mà quan trọng hơn là qua đó vừa trang bị kiến thức cơ bản, vừa nâng cao ý thức, hình thành kỹ năng sống cho HS.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.