Dạy thêm, học thêm (bài 3): Cần một cơ chế quản lý khoa học, thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Câu chuyện cũ về dạy thêm, học thêm sẽ cứ “đến hẹn lại nóng” bởi gốc rễ của nó đã bám rất sâu trong tư tưởng kỳ vọng về con cái của phụ huynh và trong chương trình học tập, thi cử hiện hành của ngành Giáo dục. Có ý kiến cho rằng, nên chăng, chúng ta hãy nhìn nhận dạy thêm, học thêm như một nhu cầu thực tế của cuộc sống, từ đó có các giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả hơn.

>> “Giáo viên đang dạy thêm nhưng trả lời điện thoại là đi du lịch”...

>> Ngành Giáo dục đã ở đâu?

day them hoc them bai 3 can mot co che quan ly khoa hoc thuc tien

Phụ huynh háo hức xem kết quả tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Lê Văn Thiêm

Cầu thúc đẩy cung

Nhìn ở góc độ cung - cầu của câu chuyện dạy thêm và học thêm, điều không thể phủ nhận là hiện nay, chính phụ huynh đang tạo nên những nhu cầu rất lớn thúc đẩy, lôi kéo sự vào cuộc của thầy, cô giáo. Hầu hết người làm cha, mẹ đều mong muốn và kỳ vọng con mình sẽ lập nghiệp bằng con đường học vấn. Nếu thấy con có tố chất thì mong muốn con ở tốp đầu, rồi vào được trường chuyên, lớp chọn; con học khá lại muốn “hỗ trợ” thêm để vươn lên một bậc, học yếu thì nhất định phải phụ đạo để bắt nhịp với bạn bè. Nhu cầu cho con học thêm vì thế nhiều năm nay đã trở thành “ngọn lửa” lan truyền rất nhanh trong các ông bố, bà mẹ.

Từ bậc tiểu học đến THPT, từ học sinh (HS) yếu đến HS khá giỏi, phụ huynh đã chủ động phối hợp với thầy, cô giáo thành lập các nhóm lớp, mời thầy, cô đến dạy. Mỗi bậc học, mỗi đối tượng đều có lý do và mục tiêu khá rõ ràng của việc học thêm. Chị N.T.T ở phường Tân Giang suy nghĩ: “Nói là bậc tiểu học không nên học thêm, nhưng con tôi không được sáng dạ và thiếu sự chủ động trong việc học nên không theo kịp bạn bè. Lớp có hơn 40 cháu, làm sao cô giáo dừng lại dành thêm thời gian cho con mình. Vì vậy, tôi mời một cô giáo đến kèm riêng tại nhà và kết quả học tập đã tốt hơn nhiều. Hơn nữa, 3 tháng nghỉ hè, nếu không học ôn, bọn trẻ lại suốt ngày “dán mắt” vào ti vi, máy tính..., trong khi công việc của vợ chồng tôi bận tối ngày, không có thời gian dành cho con”.

Tư tưởng làm thầy hơn làm thợ rất nặng nề trong phụ huynh và HS đã được chứng minh qua con số phân luồng HS ở 2 bậc học THCS và THPT. Theo thống kê của ngành Giáo dục, số lượng HS lựa chọn con đường học nghề còn chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Kết thúc bậc THCS năm học 2015-2016, có 16% trong số 19.500 HS xác định sẽ chọn con đường học nghề. Và trong hơn 18.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chỉ có 32% em thi chỉ để cấp bằng tốt nghiệp. Khi mà chúng ta đang có tới hàng chục ngàn HS chọn con đường học cao đẳng, đại học cũng có nghĩa có từng ấy gia đình đang sẵn sàng đầu tư cho con cái được học thêm để vượt qua các kỳ thi, bước chân đến giảng đường.

Áp lực thi cử vẫn căng

Chương trình giáo dục những năm gần đây liên tục có những sự đổi mới theo hướng giảm bớt áp lực học tập, tuy nhiên, áp lực thi cử vẫn căng. Căng ở chỗ đề thi ở các cấp học đều có sự phân hóa từ dễ đến khó để đánh giá, phân loại năng lực HS, trong khi đó, ngày nay, phần lớn HS đặt mục tiêu phải đạt được học lực khá, giỏi. Một ví dụ điển hình, ở ngay bậc học tiểu học được xem là ít áp lực nhất, ở đề thi Toán thường thì câu hỏi cuối cùng là một dạng đề khó.

Một cô giáo dạy tiểu học ở trường trung tâm TP Hà Tĩnh khẳng định: “Chương trình học trên lớp chỉ đòi hỏi những kỹ năng tính toán cơ bản. Muốn giải những dạng bài để dành điểm tuyệt đối như thế nếu HS không rèn luyện tư duy, cách làm các bài toán khó thì rất khó hoàn thành. Có những em thông minh, nhẩm được kết quả nhưng cũng không lập luận được để đạt điểm tối đa”.

day them hoc them bai 3 can mot co che quan ly khoa hoc thuc tien

GV hướng dẫn cách thức làm bài thi môn Vật lý tại Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua

Các kỳ thi HS giỏi các cấp và những sân chơi trí tuệ được tổ chức nhiều năm qua nhằm mục tiêu phát triển những nhân tố chất lượng cao, nhưng đồng thời cũng đang tác động đến phong trào dạy thêm, học thêm hiện nay. Anh T.T.H. ở phường Bắc Hà có con trai nhiều năm nay đều đạt danh hiệu HS giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh, cho biết: “Lịch học thêm của cháu khá dày đặc vì cháu tham gia thi HS giỏi cả 2 môn Toán và Vật lý. Vì chương trình ôn thi HS giỏi của nhà trường chỉ triển khai khi kỳ thi sắp đến gần nên ngay trong kỳ nghỉ hè, phụ huynh phải sắp xếp cho cháu học thêm ở những thầy, cô giáo có tên tuổi. Tôi nghĩ, con mình có năng lực, ham học thì việc học thêm là cần thiết để giúp cháu phát huy được thế mạnh, có cơ hội lập nghiệp trong tương lai”.

Thi cử, nhất là các kỳ thi mang tính quyết định tương lai như thi THPT quốc gia xét tuyển đại học thúc giục HS ôn luyện, mở mang kiến thức sớm ngày nào hay ngày đó. Em N.T.D. - học sinh lớp 11 ở một trường THPT tại Thạch Hà cho biết: Đối với các môn học khối D mà em chọn thi đại học, từ tháng 7 năm nay, bọn em đã đi học thêm, cố gắng hoàn thành sớm nhất chương trình sách giáo khoa lớp 12 để khoảng giữa học kỳ là đã bước vào ôn luyện các dạng đề thi đại học. Các anh chị khóa trước cũng phải “chạy” sớm thế cả thì mới kịp; những bạn có điều kiện còn vào thành phố tìm giáo viên giỏi để học”.

Và sự tổn thương nghề giáo

Khi dư luận đang “nóng” lên với những ý kiến, bình luận nhiều chiều về việc dạy thêm, học thêm cũng là lúc lòng tự trọng của những người làm nghề nhà giáo lên tiếng. Cô T.T.N. dạy văn ở một trường THPT cho biết, từ cuộc họp phụ huynh năm lớp 10, các phụ huynh đã thống nhất viết đơn, ký tên tập thể đề nghị cô tổ chức dạy thêm để các cháu vững vàng từ năm đầu của bậc học mang tính quyết định tương lai. “Trong khi, đời sống giáo viên chưa cao, thì việc sử dụng chất xám của mình để dạy học, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, HS, vừa có thêm thu nhập chính đáng, vừa tạo thêm động lực để chúng tôi trau dồi chuyên môn liệu có phải là việc làm sai trái?!” - cô N. đặt câu hỏi.

Cô N.T.T. - một giáo viên tiếng Anh có khá đông HS học thêm bộc bạch: “Chính yêu cầu của HS, giáo viên trong các lớp, nhóm lớp học thêm đòi hỏi giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu mới. Có thêm thu nhập từ dạy thêm, tôi mới có điều kiện để hoàn thành chương trình thạc sỹ, có điều kiện cải thiện cuộc sống để thêm yêu nghề”.

Còn thầy N.V.H. - giáo viên dạy Toán trường THCS chia sẻ: “Chúng tôi thực sự cảm thấy bị tổn thương khi nghe thông tin của những cuộc thanh tra, xử phạt; những sự nhắc nhở răn đe từ những người làm công tác quản lý và cả dư luận xã hội về việc dạy thêm, học thêm. Vẫn biết dạy học là một nghề đặc thù, lạm dụng việc dạy thêm - học thêm là vấn đề cần chấn chỉnh. Thế nhưng, trong khi bất cứ nghề nào trong xã hội cũng có thể làm thêm chính đáng để tăng thu nhập, còn nhà giáo làm thêm bằng nghề của mình lại bị xem như một hành động cần soi chiếu. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy rất chạnh lòng và có phần bất công”.

Từ thực tiễn này, phải chăng đã đến lúc nên nhìn nhận việc dạy thêm, học thêm đang tồn tại như một nhu cầu thực tế và chính đáng của HS và phụ huynh? Nếu cấm dạy thêm, học thêm nhưng xã hội vẫn cần thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành động “chui”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và lúc ấy lại càng không quản lý được những mặt trái. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quản lý việc dạy thêm, học thêm bằng những lệnh cấm, thay vào đó, ngành Giáo dục cần có giải pháp bảo vệ quyền tự nguyện học thêm, tự tìm đến môn mình có nhu cầu và giáo viên mình muốn học; kiểm soát được việc dạy cái gì thêm, học cái gì thêm và học phí bao nhiêu để hài hòa giữa lợi ích người dạy và người học.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu xây dựng một cơ chế quản lý phù hợp để hoạt động dạy thêm, học thêm được tồn tại với chất lượng tốt, hiệu quả cao và đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn trên Báo Quân đội nhân dân ngày 18/07/2016, GS-TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Dạy thêm, học thêm không phải là xấu, mà ngược lại nó có rất nhiều ưu điểm. Thực tế, trong một lớp học, mỗi học sinh lại có một năng lực và sở trường khác nhau. Đối với em có học lực trung bình, không đủ sức tiếp nhận nội dung học với thời gian ít ỏi trên lớp thì việc học thêm, tăng cường, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng ngoài giờ là rất cần thiết. Hay đôi khi, mục đích của việc cho con đi học thêm chỉ là để có chỗ quản lý trông nom con cái. Thế nên, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều giáo viên và nhiều bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, chúng ta phải kiểm soát kỹ việc dạy thêm, học thêm bởi nếu không quản lý tốt thì sẽ xảy ra nhiều mặt trái, tiêu cực, biến tướng như việc bắt ép học sinh đi học thêm, không đi thì bị cô thầy “trù dập” vẫn đang tồn tại gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận thời gian qua. Phân tích như vậy để thấy rằng, chúng ta nên tìm biện pháp khắc phục, ngăn chặn những mặt trái, phát huy các ưu điểm của việc dạy thêm, học thêm chứ không phải cứ cấm dạy thêm, học thêm là giải pháp tốt. Nếu cấm dạy thêm, học thêm nhưng xã hội vẫn cần thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành động “chui” thì lúc ấy mặt trái lại càng "hoành hành", càng khó quản lý. Đây là vấn đề này cần phải xem xét thận trọng, khách quan từ nhiều khía cạnh.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.