Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Hãng Bloomberg cho biết, nếu Việt Nam muốn trở thành con hổ tiếp theo của châu Á, với điều kiện nhân công giá rẻ như hiện nay là chưa đủ, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng đủ tốt, thỏa mãn được các điều kiện của các công ty nước ngoài mới mong lôi kéo các công ty này đầu tư vào Việt Nam.
Hiện tại, với việc mỗi năm chi 5,7% GDP cho cơ sở hạ tầng, hiện hạ tầng của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định như hệ thống giao thông phát triển khá rộng khắp, các sân bay và đường cao tốc được xây dựng trên khắp đất nước.
Những cố gắng này của Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2016 đã đạt mức kỷ lục 15,8 tỷ USD. World Bank (WB) cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6% cho đến năm 2019, nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ này.
Tuy nhiên, từng đấy vẫn là chưa đủ, nếu Việt Nam muốn thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI để thực hiện giấc mơ "con hổ châu Á" thì Việt Nam sẽ cần cần tới 480 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và 1.380 km đường cao tốc.
Nhưng theo một số nguồn báo cáo, nguồn ngân sách nhà nước của Việt Nam chỉ có thể đủ để chi trả cho 1/3 nhu cầu tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này thể hiện rõ qua chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh kế hoạch thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Đấy sẽ là vấn đề quan trọng cần giải quyết đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thực ra, số tiền này có thể giảm xuống nếu Việt Nam có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia với nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang rất thấp, chưa tới 10%. Trong khi đó tại một số nước, ví dụ như Ấn Độ, con số này lên tới hơn 30%.
Nhưng so với mặt bằng chung của khu vực, Việt Nam đang là nước dẫn đầu về cuộc đua phát triển cơ sở hạn tầng để thu hút FDI.
ADB ước tính các nền kinh tế mới nổi trong khu vực sẽ phải đầu tư ít nhất là 2.630 tỉ USD từ nay tới năm 2030 để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tăng cường cung cấp điện cũng như nâng cấp các hệ thống cung cấp nước và vệ sinh...
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, chỉ tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 5.7% GDP của Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại: Indonesia, Philipines chỉ đạt chưa đầy 3% GDP, Malaysia, Thái Lan thì thậm chí hiện đang ở mức dưới 2% GDP; chỉ đứng sau Trung Quốc.
Những quốc gia Đông Nam Á khác hiện tại cũng đang bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có chỉ đạo xây dựng dự án nâng mức chi tiêu cho hạ tầng cơ sở của nước này lên 7% GDP, trị giá khoảng 120 tỉ USD từ nay đến năm 2022.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước này. Bước đầu là mở tuyến cao tốc nối liền các đảo chính và một tuyến đường sắt dài 720 km từ Jakarta đến Surabaya.