Một địa phương ở Hà Tĩnh không có nợ chính sách quá hạn

(Baohatinh.vn) - Với dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên 327 tỷ đồng, huyện Vũ Quang là địa phương duy nhất ở Hà Tĩnh không có nợ quá hạn từ khách hàng.

Năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đối mặt những khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Cùng đó, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất – kinh doanh của người dân và tác động tới công tác phát triển tín dụng chính sách trên địa bàn.

Tuy vậy, với sự quyết tâm, nỗ lực cùng các giải pháp khả thi, sát thực tiễn, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang (thuộc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh) đã tăng trưởng dư nợ tín dụng gần 10% so với đầu năm và trên địa bàn không phát sinh nợ quá hạn.

Tính đến đầu tháng 10/2024, dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Vũ Quang đạt hơn 327 tỷ đồng, là địa phương duy nhất ở Hà Tĩnh không có nợ quá hạn..

bqbht_br_img-2213.jpg
Có vốn chính sách, người dân huyện Vũ Quang tập trung phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương.

Ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang cho biết: "Song song với công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi, phát triển dư nợ, đơn vị đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn của khách hàng, đảm bảo khách hàng không sử dụng vốn sai mục đích và đưa dòng vốn phát huy hiệu quả cao.

Theo đó, đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn… tổ chức bình xét, cho vay kịp thời nguồn vốn theo quy định. Đồng thời, chủ động trong công tác kiểm tra thực tế tại các hộ vay vốn, tập trung vào công tác kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay, công tác trả lãi; thực hiện công tác đối chiếu nợ thường xuyên, trực tiếp làm việc và lập biên bản cam kết trả nợ đối với các hộ vay có nợ đến hạn. Trong quá trình kiểm tra, ngân hàng chú trọng kiểm tra chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra hoạt động của công tác giao dịch xã..."

Được biết, để có chất lượng tín dụng tốt, trước đó, Ngân hàng CSXH Huyện Vũ Quang đã “chạy” phần mềm thông báo lịch đến hạn trả nợ trước 1 năm, kịp thời thông báo cho khách hàng để chủ động các phương án trả nợ. Ngân hàng cũng giao cán bộ tín dụng bám sát cơ sở, phối hợp nắm bắt tình hình khách hàng, theo dõi, quản lý các hộ vay vốn trên địa bàn; trường hợp khách hàng chuyển đi khỏi địa phương hoặc chuyển nhượng, bán tài sản thì kịp thời có kế hoạch thu hồi nợ… Nhờ vậy, hơn 2 năm qua, trên địa bàn huyện Vũ Quang không có nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách.

bqbht_br_79.jpg
Ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang trực tiếp kiểm tra quá trình sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng.

Đức Lĩnh là xã có tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách lớn nhất tại huyện Vũ Quang với quy mô 47 tỷ đồng. Thời gian qua, việc xét duyệt, xây dựng hồ sơ cho vay, thẩm định và giải ngân nguồn vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được địa phương phối hợp triển khai đúng quy định; nguồn vốn phát huy hiệu quả cao, giúp người dân miền núi phát triển kinh tế vườn đồi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bà Lê Thị Kim Lương (thôn Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh) là gia đình đã gắn bó hàng chục năm với nguồn vốn tín dụng chính sách. Những nguồn vốn từ các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm đã tạo nguồn lực để gia đình bà gầy dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cam, bưởi.

Bà Lương phấn khởi: “Quá trình vay vốn, chúng tôi luôn nhận được sự tư vấn từ phía chính quyền địa phương và ngân hàng trong việc xây dựng mô hình phù hợp với tiềm năng, lợi thế; làm sao để phát huy hiệu quả nguồn vốn, gia đình có điểm tựa trả nợ và lãi đúng hạn cũng như xây dựng mối quan hệ tín dụng bền vững với ngân hàng. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu và nuôi các con ăn học trưởng thành. Từ mô hình nhỏ lẻ ban đầu, đến nay chúng tôi mở rộng quy mô trang trại, mang về lợi nhuận mỗi năm từ 200 – 300 triệu đồng”.

bqbht_br_z5984297521720-c10f46203ff1f2e91878c4a77b8499e5.jpg
Người dân xã Đức Lĩnh mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Lĩnh cho hay: “Chúng tôi đã đẩy mạnh truyền thông, đưa nguồn vốn chính sách về với cho Nhân dân. Với 9 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ các chương trình chính sách xã hội ủy thác qua Hội LHPN xã hiện đạt gần 21 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các hội đoàn thể nhận ủy thác. Thực hiện nghiêm các quy định của ngân hàng CSXH, chúng tôi phối hợp tổ chức bình xét, cho vay các đối tượng đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Cùng đó, chủ động đôn đốc, nhắc nhở các hộ chuẩn bị đến hạn để có phương án thu nợ kịp thời; quan tâm rà soát các hộ rủi ro, đi khỏi địa phương để kịp thời có phương án xử lý; yêu cầu các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Ngân hàng CSXH”.

Với tổng dư nợ 27 tỷ đồng, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách cũng đã giúp người dân xã Đức Liên mạnh dạn đầu tư các mô hình trang trại, vườn đồi theo hướng ngày càng tăng về giá trị kinh tế, thay đổi căn bản đời sống tại xã miền núi trước đây còn nhiều khó khăn.

Anh Trần Minh Công – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Liên thông tin: “Xã có 11 tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua Hội Nông dân. Với các làm bài bản, đúng quy trình, công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, lựa chọn chương trình cho vay, phân bổ mức vay hợp lý gắn với kiểm tra, kiểm soát sau cho vay nên chất lượng tín dụng của các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn đều tốt. Trong quá trình giải ngân nguồn vốn, chúng tôi luôn hướng khách hàng tới việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, lưu ý khách hàng nguồn vốn đó phải được đầu tư làm sao để tạo ra công ăn việc làm, mang lại thu nhập, từ đó khách hàng có điều kiện trả nợ đúng hạn”.

img-6815-2185-7013.jpg
Tính đến đầu tháng 10/2024, dư nợ tín dụng chính sách xã hội của huyện Vũ Quang đạt trên 327 tỷ đồng.

Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở được ví như những "cánh tay nối dài" của Ngân hàng CSXH để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách tới Nhân dân. Với cách làm bài bản, nền nếp, hiện nay 128 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 10 xã của huyện Vũ Quang đều xếp loại tốt.

Để giữ vững “ngôi vị” tốp đầu về chất lượng tín dụng, thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các hội nhận ủy thác và hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nợ, góp phần đưa công tác tín dụng chính sách trên địa bàn đi vào chiều sâu.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giảm nhẹ

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giảm nhẹ

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng giảm khi giá ổn định sau khi đạt mức cao kỷ lục, trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Giá xăng giảm, dầu tăng

Giá xăng giảm, dầu tăng

Giá xăng giảm trong khi các mặt hàng dầu quay đầu tăng từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng hôm nay 31/10/2024: Đua nhau phá kỷ lục

Giá vàng hôm nay 31/10/2024: Đua nhau phá kỷ lục

Giá vàng hôm nay 31/10/2024: Sau khi giá vàng thế giới phá kỷ lục vào ngày 30/10, giá vàng nhẫn 9999 cũng tăng mạnh vượt mốc giá 89 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng cũng tăng thêm 1 triệu đồng/lượng.