Thế giới có thể phải hứng chịu một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới

Đến sáng 15/9, thế giới có trên 226,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,65 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 226,5 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 42,2 triệu ca mắc và hơn 681.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 82.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .

Thế giới có thể phải hứng chịu một đợt bùng phát mới dịch COVID-19 vào mùa thu và mùa đông này, đây là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Đại học Minnesota (Mỹ). Trong bối cảnh hàng tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận vaccine và ít có cơ hội để loại trừ virus, thế giới trong vài tháng tới có thể sẽ phải đối diện với các ổ dịch trong lớp học, trên các phương tiện công cộng và nơi làm việc, khi các nước quyết tâm đẩy nhanh tiến độ mở cửa nền kinh tế. Cũng theo các nhà khoa học, một vài năm tới sẽ là chu kỳ lên xuống của dịch bệnh gắn với thời gian cần thiết để tăng độ che phủ toàn diện của vaccine.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/9, nước này ghi nhận hơn 27.400 ca mắc mới COVID-19 và 280 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,3 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 443.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 750.220.000 người.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 587.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Điện Kremlin ngày 14/9 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tự cách ly sau khi một số thành viên trong đoàn tháp tùng ông được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Putin hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân không mắc COVID-19. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã quyết định tự cách ly sau khi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Moscow cách đây 2 hôm. Tổng thống Putin sẽ không đến Tajikistan tham dự các cuộc họp an ninh khu vực trong tuần này, thay vào đó sẽ tham dự hội nghị trực tuyến.

Nga hiện là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với trên 7,17 triệu người mắc và hơn 194.200 bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19.

Cơ quan y tế Anh đã chính thức cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay lập tức cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi tại nước này. Động thái trên diễn ra trước lo ngại số ca nhiễm mới COVID-19 tại Anh đang gia tăng mạnh trở lại. Loại vaccine được sử dụng là vaccine của hãng dược Pfizer.

Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế tại Anh vẫn đang tranh cãi khá gay gắt về hiệu quả thực sự của vaccine ngừa COVID-19 đối với đối tượng trẻ tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn cho rằng, dù chưa có đủ dữ liệu cần thiết nhưng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi là cần thiết để không gián đoạn việc học. Theo dự kiến, ngày 14/9, Thủ tướng Boris Johnson sẽ trình bày trước Hạ viện Anh bản kế hoạch ứng phó với COVID-19 trong mùa đông tới.

Khoảng 99% trường hợp tử vong do COVID-19 ở Anh là những người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đây là kết luận rút ra từ nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh. Theo nghiên cứu, trong số hơn 51.000 ca tử vong do COVID-19 trong 6 tháng đầu năm nay ở Anh, chỉ có có 640 trường hợp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho biết, nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine thấp hơn nhiều so với những người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi. Hiện hơn 3/4 người trưởng thành tại Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm COVID-19 mới đã giảm, kể từ ngày 14/9 không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Tuy nhiên, Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội. Các cửa hàng, nhà hàng và rạp hát được mở cửa trở lại. Làm việc tại nhà sẽ không còn bị bắt buộc. Lệnh giới nghiêm ban đêm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ được dỡ bỏ.

Tại Hà Lan, kể từ ngày 25/9 bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ là bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán cà phê, phòng hòa nhạc, nhà hát. Khẩu trang vẫn bắt buộc sử dụng trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu. Nhà hàng vẫn phải đóng cửa từ 0h tới 6h. Các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cơ bản như rửa tay thường xuyên hay ở nhà nếu có các triệu chứng vẫn có hiệu lực.

Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm và trả phí đối với trường hợp không tiêm chủng. Các nhân viên chưa được tiêm phòng sẽ cần phải nộp bản xét nghiệm điện tử mỗi tuần một lần. Ngoài ra, giáo viên, học sinh cũng như tất cả những người làm công tác du lịch, văn hóa và truyền thông sẽ cần phải được xét nghiệm hai lần một tuần.

Ngày 14/9, Australia tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh đối với thủ đô Canberra cho đến giữa tháng 10 tới. Giới chức Canberra cho rằng, đây là biện pháp cần thiết nhằm hướng đến một Giáng sinh an lành hơn và một năm 2022 bình an hơn, trong khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh.

Khoảng 400.000 cư dân Canberra đã thực thi chỉ thị ở nhà kể từ ngày 12/8, khi thành phố ghi nhận một ca mắc COVID-19. Hiện gần một nửa trong số 25 triệu dân ở Australia đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa khi nước này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ ba, chủ yếu do biến thể Delta có khả năng lây lan cao.

Ngày 14/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kêu gọi người dân nước này tiêm vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt, khẳng định đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh và là cơ sở để nới lỏng các lệnh hạn chế tại Auckland, thành phố lớn nhất nước này.

New Zealand ngày 14/9 ghi nhận 17 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn một nửa so với 33 ca ghi nhận ngày 13/9. Tuy nhiên, khoảng 1,7 triệu dân tại Auckland sẽ tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa cho đến tuần tới, trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực kiểm soát ổ lây nhiễm biến thể Delta.

Bộ Y tế Israel công bố khảo sát cho thấy, hơn 11% số trẻ em hồi phục sau khi mắc COVID-19 - vẫn phải chịu các di chứng của bệnh này, còn gọi là hội chứng "COVID kéo dài". Các nhà nghiên cứu tiến hành cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 13.000 cha mẹ có con ở độ tuổi từ 3 - 18 tuổi bị mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh. Qua cuộc khảo sát, họ đã phát hiện, cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ bị mắc hội chứng "COVID kéo dài". Hội chứng này có nguy cơ gia tăng theo độ tuổi, nhóm trẻ càng lớn nguy cơ xuất hiện càng cao. Các biểu hiện phổ biến được ghi nhận là rối loạn tâm thần, nhận thức, thần kinh, rối loạn giấc ngủ, hoặc khó tập trung.

Tình hình dịch bệnh ở Indonesia đang dịu đi. (Ảnh: AP)

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 tại Đông Nam Á, đang có xu hướng lắng dịu. Ngày 13/9, nước này ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cũng giảm xuống mức thấp 1,45%.

Indonesia đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, dự kiến đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay. Nhằm từng bước mở cửa lại nền kinh tế và chung sống với COVID-19, Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành đánh giá hàng tuần, đồng thời, xem xét kéo dài các hạn chế thêm 1 tuần, đến ngày 20/9 tới

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 4.128 ca mắc và 250 người tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay ở Indonesia là trên 4,17 triệu trường hợp và 139.415 người.

Ngày 14/9, Chính phủ Indonesia đã công bố 3 chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với COVID-19. Chiến lược đầu tiên là nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi. Chiến lược thứ hai là đẩy mạnh xét nghiệm, truy tìm, điều trị, trong đó có việc xử lý tối ưu các địa điểm cách ly tập trung. Chiến lược thứ ba là tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách. Indonesia sẽ xem xét mở cửa lại biên giới với thế giới sau khi ít nhất 70% dân số hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVID-19.

Tại Philippines, từ ngày 16/9 tới, vùng thủ đô Manila sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng vì dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó, Chính phủ Philippines sẽ tiến hành thí điểm phong tỏa theo từng khu vực có dịch. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm vừa chống dịch vừa mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo giới chức Philippines, việc phong tỏa theo từng khu vực sẽ dựa trên 5 mức cảnh báo quy định những hoạt động kinh doanh nào được phép nối lại, trong đó có tính đến yếu tố tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Nếu thành công, hình thức này có thể được áp dụng trên phạm vi cả nước. Philippines kỳ vọng có thể sớm cho phép học sinh đến trường ở mức hạn chế.

Bộ Y tế Lào ngày 14/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 127 ca mắc COVID-19 mới, với 54 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc tại Lào là 17.682 trường hợp, trong đó 16 người tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, nước này vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều tỉnh. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước trong 1 ngày với 24 ca, tiếp đến là tỉnh Champasak với 13 người. Những trường hợp còn lại vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh khác.

Thái Lan đang xây dựng tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc được đặt tên là "Một tiêu chuẩn, một hệ thống" nhằm thu hút du khách quốc tế. Điểm ưu tiên trong chiến lược mở cửa của nước này là khôi phục hoạt động du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, theo mô hình “Một tiêu chuẩn, một hệ thống”, những biện pháp khác nhau mà các tỉnh đang chuẩn bị triển khai sẽ bị loại bỏ. Tất cả các tỉnh sẽ áp dụng những quy trình vận hành tiêu chuẩn giống nhau để cho phép du khách tự do đi lại trong các khu vực được chỉ định ở mỗi tỉnh. Theo đó, khi nhập cảnh vào bất cứ tỉnh nào trong 5 tỉnh, thành phố gồm Pattaya, Chiang Mai, Hua Hin, Chaam và Bangkok, du khách chỉ cần tuân theo các hướng dẫn như kích hoạt ứng dụng Mor Chana và được kiểm tra hàng ngày ở khách sạn, thay vì bị cách ly hoặc chỉ được đi lại theo chương trình du lịch.

Thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu cũng như chi phí và các biện pháp xét nghiệm COVID-19 cho du khách cũng được thống nhất trên toàn quốc với mức giá có thể chỉ bằng một nửa so với mức giá hiện đang áp dụng cho mô hình “Hộp cát Phuket”.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, trong ngày 13/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận 59 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với 22 ca ghi nhận vào ngày 12/9.

Ngày 14/9, Trung Quốc báo cáo 92 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng 95.340 cư dân đã nhiễm bệnh ở nước này, bao gồm 4.636 trường hợp thiệt mạng.

Theo VTV

Đọc thêm

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.