Video: Ông Nguyễn Viết Đợi - thương binh 2/4 chia sẻ khi đi điều dưỡng tập trung.
Đây là lần thứ 5, ông Trần Sỹ Giai (78 tuổi) - thương binh 4/4 ở xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Mỗi lần đến trung tâm, ông đều cảm nhận được sự thay đổi về cơ sở vật chất, chế độ.
Nơi ăn, ở, khu sinh hoạt chung, khu tập luyện phục hồi chức năng được bố trí hợp lý, quy củ. Phòng ở và môi trường đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi, thường xuyên được nhân viên quét dọn sạch sẽ.
Mỗi lần đi điều dưỡng tập trung, ông Trần Sỹ Giai đều được đón tiếp, chăm sóc chu đáo.
Ông Trần Sỹ Giai phấn khởi chia sẻ: “Đến đây, chúng tôi được đón tiếp chu đáo, niềm nở. Trung tâm tổ chức tốt nhiều hoạt động dành cho người có công. Về chế độ ăn 3 bữa/ngày, 2 bữa chính có ít nhất 5 món, được nhà bếp chế biến thực đơn đa dạng, không trùng nhau, vừa bảo đảm tươi sống, vừa ngon miệng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe”.
Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh dọn từng phòng ở gọn gàng.
Với ông Đặng Trí Sửu (53 tuổi) - thương binh 4/4 ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) đã nhiều lần đi điều dưỡng tập trung, lần nào cũng đều cảm nhận được sự gần gũi, thân mật của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây. Từ lãnh đạo trung tâm đến người phục vụ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý để nắm bắt, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng.
Người có công vui chơi giải trí tại trung tâm.
Trong thời gian điều dưỡng tập trung 5 ngày, ngoài việc thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc theo bệnh lý từng đối tượng, phục vụ các bữa ăn, trị liệu thì việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần bằng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tham quan được các thành viên trong đoàn đánh giá rất cao.
Cán bộ hỗ trợ luyện tập, phục hồi chức năng cho người có công.
Ông Đặng Trí Sửu chia sẻ: “Chúng tôi được đội ngũ cán bộ trung tâm tận tình hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; hỗ trợ luyện tập và phục hồi chức năng. Nhờ đó, sức khỏe, thể trạng, tinh thần của chúng tôi được nâng lên rõ rệt”.
Việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần bằng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tham quan được các thành viên trong đoàn đánh giá rất cao.
Theo kế hoạch, năm nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ đón 30 đoàn với 3.500 người có công đến điều dưỡng tập trung, mỗi đợt điều dưỡng tập trung trong 5 ngày (tại cơ sở 2 ở thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Đến thời điểm này, trung tâm đã điều dưỡng tập trung cho 7 đoàn với 800 người có công của huyện Thạch Hà, Nghi Xuân và Can Lộc.
Các đợt điều dưỡng được trung tâm triển khai đều đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đủ, đúng tiêu chuẩn chế độ điều dưỡng; hoạt động điều dưỡng cũng được đổi mới phong phú, đúng quy trình. Công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người có công, thân nhân người có công được trung tâm đặc biệt quan tâm và nâng cao chất lượng.
Được chăm sóc như ở nhà, người có công điều dưỡng tập trung đều phấn khởi.
Công tác điều dưỡng người có công mang tính đặc thù riêng, bởi đa phần những người đến điều dưỡng đều tuổi cao, sức khỏe yếu, vết thương và bệnh tật nhiều. Vì vậy, công tác y tế, phục vụ điều dưỡng và hậu cần, thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Anh Trần Thọ Hiếu - đầu bếp của Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Từ khâu lựa chọn đơn vị ký hợp đồng cung ứng thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn, chất lượng đến khâu chế biến đều được chú trọng, sao cho chế biến hợp khẩu vị với mỗi nhóm đối tượng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm cả về chất và lượng. Ngoài ra, nhà bếp thay đổi thực đơn theo từng bữa, có chế độ ăn kiêng theo yêu cầu…”.
Thực phẩm được lựa chọn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Kết thúc mỗi đợt điều dưỡng, trung tâm luôn nhận được những phản hồi tích cực, được nhiều người có công ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng chăm sóc, tinh thần thái độ phục vụ. Hơn thế, sau mỗi đợt điều dưỡng, sức khỏe, tuổi thọ của người có công được tăng lên, giảm bớt bệnh tật, thể hiện rõ sự vui vẻ, phấn chấn...
Sự hài lòng của người có công chính là động lực để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trung tâm phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cán bộ, nhân viên trung tâm luôn xem người có công như ông bà, cha mẹ mình, tận tâm chăm sóc, phục vụ để mỗi đợt người có công về điều dưỡng như được trở về chính ngôi nhà của mình.