Điều gì đẩy Kazakhstan vào cảnh chìm trong khói lửa?

Từ một quốc gia có nền chính trị được đánh giá là ổn định, Kazakhstan đang rơi vào khủng hoảng khi các cuộc biểu tình leo thang thành bạo lực và diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường phố ở Kazakhstan trong những ngày gần đây. Tại Almaty - thành phố lớn nhất và là thủ đô cũ của quốc gia Trung Á - người biểu tình tấn công cảnh sát, tràn vào phá phách văn phòng thị trưởng, dinh thự cũ của tổng thống và các cơ sở khác.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Kazakhstan áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Các đơn vị quân đội được điều đến những nơi có bạo loạn để chống lại nhóm người mà Tổng thống Kassym Jomart Tokayev gọi là “khủng bố được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài”.

Dmitry Plotnikov, phóng viên đài RT (Nga) chuyên trách các quốc gia Trung Á, cho rằng phong trào biểu tình này là thách thức lớn nhất mà Kazakhstan phải đối mặt kể từ khi tuyên bố độc lập cách đây hơn 30 năm.

Sự kiện này cũng là một bài toán đối với Tổng thống Tokayev sau khi ông lên nắm quyền chưa đầy ba năm. Cuộc khủng hoảng đang gây bất ổn cho một khu vực vốn chứng kiến nhiều biến động khi Nga và Mỹ liên tục cạnh tranh để giành ảnh hưởng, theo New York Times.

Điều gì đẩy Kazakhstan vào cảnh chìm trong khói lửa?

Các tòa nhà và phương tiện bị đốt phá tại Almaty, Kazakhstan. Ảnh: TASS.

Lý do Kazakhstan chìm trong hỗn loạn

Kazakhstan từng được coi là một trong những quốc gia hậu Xô Viết ổn định nhất. Quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống đầu tiên sang người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.

Danh tiếng về nền chính trị ổn định giúp nước này thu hút hàng trăm tỷ USD đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và kim loại trong hơn ba thập kỷ.

Thế nhưng, những ngày qua, hình ảnh này đổ vỡ. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 2/1 ở miền Tây Kazakhstan khi giá cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao.

Giá LPG đã tăng gấp đôi từ ngày 1/1, thời điểm chính phủ Kazakhstan chấm dứt các hình thức trợ cấp cho loại nhiên liệu này. LPG có vai trò rất quan trọng với người dân Kazakhstan, bởi đa số xe hơi tại đây sử dụng loại nhiên liệu này để vận hành.

Thời gian đầu, hầu hết cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình dần thay đổi khi 69 người bị bắt giam trong các ngày 2-3/1.

New York Times đánh giá trên thực tế, các cuộc biểu tình còn có nguyên nhân sâu xa. Nó thể hiện sự tức giận của người dân trước tình trạng bất bình đẳng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng do Covid-19.

Phong trào biểu tình còn phản ánh làn sóng phẫn nộ về nạn tham nhũng tràn lan, khiến một nhóm nhỏ giới tinh hoa giàu lên nhanh chóng.

Điều gì đẩy Kazakhstan vào cảnh chìm trong khói lửa?

Người biểu tình ở Almaty vào ngày 5/1. Ảnh: AFP.

Khi các cuộc biểu tình gia tăng, yêu cầu của những người biểu tình cũng mở rộng từ việc đòi hỏi giá nhiên liệu thấp hơn cho đến yêu sách chính trị.

Trong số những thay đổi chính trị mà họ yêu cầu bao gồm bầu cử trực tiếp thống đốc vùng, thay vì cơ chế lãnh đạo địa phương do tổng thống bổ nhiệm như hiện nay.

Biểu tình leo thang thành bạo lực

Phong trào biểu tình bắt đầu ở Zhanaozen hôm 2/1 để phản đối việc tăng giá nhiên liệu. Thế nhưng, chỉ 4 ngày sau, các tòa nhà chính phủ, đài truyền hình, sân bay và nhiều cơ sở kinh doanh đã bị hàng nghìn người biểu tình tấn công.

Biểu tình mở rộng thành một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào tầng lớp thượng lưu Kazakhstan, vốn bị nhiều người dân coi là chuyên quyền và tham nhũng.

Ông Plotnikov nhận định tình trạng bất ổn tại Kazakhstan “dường như là tự phát và thiếu kiểm soát”. Các cuộc biểu tình bạo lực không có một người hay tổ chức đứng ra lãnh đạo. Vì vậy, chính phủ Kazakhstan không biết phải đối thoại với ai.

Khi biểu tình leo thang, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã chỉ thị chính phủ giải quyết vấn đề tăng giá khí đốt.

Các nhà chức trách triển khai một loạt biện pháp bình ổn tình hình kinh tế xã hội, bao gồm ban hành quy định về giá nhiên liệu kéo dài trong 180 ngày, cấm tăng một số loại thuế và trợ cấp tiền thuê nhà cho một số đối tượng dễ bị tổn thương.

Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông phản đối.

Thậm chí, ngay cả khi Tổng thống Tokayev đồng ý đáp ứng yêu cầu người biểu tình là giải tán chính phủ, lần nhượng bộ thứ hai dường như cũng không đem lại kết quả.

Vào tối ngày 4/1, các cuộc đụng độ bạo lực với các nhân viên thực thi pháp luật đã bắt đầu ở nhiều thành phố của Kazakhstan. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và lựu đạn choáng để đẩy lùi hàng trăm người biểu tình khỏi khu vực quảng trường ở Almaty.

Hôm 5/1, một nữ phát ngôn viên cảnh sát cho biết các cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra dẫn đến nhiều thương vong khi người biểu tình cố xông vào tòa nhà chính phủ, trụ sở cảnh sát và văn phòng công tố.

Điều gì đẩy Kazakhstan vào cảnh chìm trong khói lửa?

Cảnh sát Kazakhstan dựng chướng ngại vật ngăn người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Tòa nhà chính phủ ở Almaty hôm 5/1 bị hơn 1.000 người biểu tình tấn công. Một đám cháy đã bùng phát bên trong tòa nhà và người biểu tình tập trung xung quanh hô vang khẩu hiệu.

Tính đến nay, cảnh sát Almaty cho biết những người biểu tình đã đốt 120 ôtô, trong đó có 33 xe cảnh sát, và phá hủy khoảng 400 cơ sở kinh doanh. Hơn 200 người bị bắt giữ sau đó.

Tổng thống Tokaiev cáo buộc các phần tử khủng bố được đào tạo ở nước ngoài đứng đằng sau và yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Đây là liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Ông Tokayev cho hay tình trạng bất ổn đang diễn ra là một “cuộc tấn công khủng bố” vào đất nước và phát động “chiến dịch chống khủng bố” trên diện rộng.

Chính phủ cũng đang cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách thiết lập tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời chặn các trang mạng xã hội.

Tác động khu vực

Phong trào biểu tình đang diễn ra ở Kazakhstan thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế bởi nước này từng được coi là “trụ cột" của sự ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á.

Nga luôn xem Kazakhstan là một đồng minh quan trọng và là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của quốc gia này tại khu vực. Bởi vậy, đối với Điện Kremlin, cuộc khủng hoảng là một thách thức. Đây là phong trào biểu tình thứ ba tại một quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Nga, sau Ukraine năm 2014 và Belarus năm 2020.

Điều gì đẩy Kazakhstan vào cảnh chìm trong khói lửa?

Những người biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ đang bốc cháy ở Almaty. Ảnh: TASS.

Sự hỗn loạn này có nguy cơ làm xói mòn ảnh hưởng của Moscow trong khu vực, nhất là vào thời điểm Nga đang cố gắng phô diễn sức mạnh kinh tế và địa chính trị của mình trong cuộc khủng hoảng biên giới ở Ukraine.

Ngoài ra, một số chuyên gia lo ngại phong trào biểu tình ở Kazakhstan có thể tạo thêm động lực cho lực lượng đối lập ở các nước khác thuộc Liên Xô cũ.

Arkady Dubnov, một chuyên gia về Trung Á tại Moscow, cho biết phong trào biểu tình là một tín hiệu cảnh báo cho Điện Kremlin. Ông mô tả chính phủ ở Kazakhstan là “một bản sao thu nhỏ của chính phủ Nga”.

“Điện Kremlin sẽ không muốn thấy một chế độ tương tự họ đàm phán với phe đối lập và chấp nhận các yêu cầu của phe này”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, ngày 6/1, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO, và các đơn vị tiên phong của quân đội Nga đã được điều đến để giúp đỡ chính phủ Kazakhstan.

Theo Zing

Đọc thêm

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.