Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là địa phương có những cách làm sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh xác định nông thôn mới là cơ sở, nền tảng để những trụ cột khác của nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh về chủ đề này.

Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Đồng chí Hoàng Trung Dũng và đoàn công tác kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh. Ảnh: THU HÀ

PV: Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025. Những định hướng, giải pháp để thực hiện mục tiêu đã xác định là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 35 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 171/182 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 94%), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 747 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu; 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hạ tầng khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả quan trọng.

Từ những kết quả đạt được, Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, ngày 15/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích đề án. Khơi dậy, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo của người dân nhằm phát huy nội lực, đồng thời xã hội hóa nguồn lực trong xây dựng NTM. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PV: Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy xây dựng NTM là quá trình cần sự quyết tâm và bền bỉ. Như đồng chí đã chia sẻ, diện mạo NTM ở Hà Tĩnh khác trước rất nhiều. Đồng chí có thể nêu một số kinh nghiệm trong xây dựng NTM thời gian qua?

Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Quá trình xây dựng NTM đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tập trung làm chắc từ cơ sở, xuất phát từ lợi ích của người dân, khơi dậy tính tự giác, sáng tạo của người dân. Nhờ phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân, người dân thấy được lợi ích thiết thực của quá trình xây dựng NTM nên nhiều xã tuy rất khó khăn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã nỗ lực đạt chuẩn NTM rất thuyết phục. Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất. Chú trọng nguồn lực xã hội hóa; xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn; động viên con em Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của quê hương.

Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Bưởi Phúc Trạch - đặc sản của Hà Tĩnh đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tổng hợp ở nông thôn. Ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế, nhất là các loại cây ăn quả, hải sản chế biến, các sản phẩm OCOP, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới; khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với thương mại, dịch vụ ở nông thôn.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các tiêu chí NTM cấp tỉnh, huyện và xã, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Ngoài việc ưu tiên hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục; bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, văn hóa ứng xử nông thôn; tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; khơi dậy, phát triển các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Hiện nay, phần lớn các khu dân cư kiểu mẫu ở nhiều huyện như Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hương Sơn... đều có câu lạc bộ văn hóa dân gian dưới các hình thức khác nhau. Huyện Nghi Xuân đang tích cực thực hiện đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Những giá trị văn hóa nông thôn, tình làng nghĩa xóm càng được khẳng định và có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Huyện Kỳ Anh tích cực xây dựng những miền quê đáng sống

Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, bảo đảm thống nhất về nhận thức, chủ trương và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, tránh hình thức. Mạnh dạn điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với xây dựng NTM, ưu tiên những địa bàn khó khăn; đồng thời phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

PV: Hà Tĩnh xác định “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang” là trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vậy mối liên hệ giữa những trọng điểm này với mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Giai đoạn 2021-2030, Hà Tĩnh tập trung các định hướng lớn để tạo đột phá phát triển, gồm: Bốn trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics. Ba nền tảng: Nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Ba đô thị: Đô thị chung quanh thành phố Hà Tĩnh (gắn với các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ); đô thị phía bắc với hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh (gắn với các thị trấn: Nghi Xuân, Xuân An, Can Lộc và Đức Thọ); đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh (gắn với Khu Kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận). Một trung tâm: Khu Kinh tế Vũng Áng. Ba hành lang kinh tế: Đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1A và đường ven biển; dọc đường 8 và thị xã Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.

Các trọng điểm nêu trên sẽ có tác động tích cực đến việc xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Khu Kinh tế Vũng Áng được xác định là động lực quan trọng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn thu ngân sách để hỗ trợ, tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu phát triển vùng nông thôn đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Định hướng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam được đầu tư số tiền 950 tỷ đồng.

Xây dựng tỉnh NTM là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, toàn diện, tạo nền tảng bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; kết nối nông thôn với đô thị; nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ; nông thôn với các hành lang và các vùng phát triển động lực của tỉnh. Ngoài ra, NTM góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thay đổi tư duy của người lao động; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng, các hành lang kinh tế. Như vậy, NTM sẽ tạo nền tảng bền vững để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Nhân dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.