Đô thị Hà Tĩnh 100 năm trước

(Baohatinh.vn) - Nhằm đưa trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh lên một tầm vóc mới, triều đình nhà Nguyễn ban hành dụ thành lập đô thị Hà Tĩnh vào ngày 11 tháng 6 năm 1924.

Từ Cửu Chân, Cửu Đức, Hoan Châu, tới châu Nghệ An hay Nghệ An trấn, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều triều đại, vùng đất Hà Tĩnh thường được biết đến với tên gọi chung là xứ Nghệ. Hà Tĩnh thực sự có một tên gọi hành chính riêng vào năm 1831, khi vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lấy phần đất ở phía Nam, từ hữu ngạn sông Ngàn Phố đến Hoành Sơn, nhập phủ Đức Thọ với phủ Hà Hoa làm tỉnh Hà Tĩnh. Khi đó, xã Đại Nài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa được chọn làm nơi đặt trụ sở tỉnh lỵ. Thành Hà Tĩnh được xây dựng từ thời đó.

upscaled-4x-fontaine.JPG
Đài phun nước gần khu vực chợ Tỉnh (bưu ảnh gửi sang Pháp năm 1931)

Vào năm Tự Đức thứ 6 (1853), tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức thành “đạo” và nhập vào tỉnh Nghệ An. Phủ Hà Hoa đổi tên thành phủ Hà Thanh từ năm Thiệu Trị thứ nhất 1841 được lấy để lập đạo Hà Tĩnh. Đạo thành đặt ở thôn Nài Thị, xã Đại Nài, nguyên lỵ sở huyện Thạch Hà. Năm Tự Đức thứ 17, Hà Tĩnh được đặt riêng làm một đạo, nhưng vẫn thuộc quyền của Tổng đốc An Tĩnh.

Năm Tự Đức thứ 28 (1874), tỉnh Hà Tĩnh được đặt lại như cũ. Tỉnh hiệu được giữ từ đó cho đến nay. Giai đoạn 1976-1991 Hà Tĩnh lại nhập vào với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh nhưng tên gọi thị xã Hà Tĩnh vẫn được bảo tồn. Trung tâm hành chính của tỉnh là khu vực thành cổ, bao quanh bởi Hào thành. Nội thành được chia hình bàn cờ nhiều ô theo từng lô đất và vị trí xây dựng. Dọc giữa gồm có hành cung phía trước, bên cạnh là trạm Bưu chính, tiếp sau là dinh Bố chính, Trường nữ và cuối cùng, sát tường thành phía Bắc và lối ra cửa Hậu là khu vực nhà lao. Dọc bên trái, phía gần tường thành phía Tây và lối ra cửa Hữu gồm có văn phòng Đốc học, tiếp sau là dinh Tuần vũ, dinh Án sát và cuối cùng là nhà Lãnh binh. Dọc bên phải, phía gần tường thành phía Đông là khu vực trại lính vệ binh bản xứ, nhà làm việc của sĩ quan, nhà ở của gia đình binh lính và sau cùng là trại ngựa. Phía trước hành cung, bên cạnh dinh Tuần vũ, phía trước nhà Án sát và phía trước nhà lao có hồ nước.

b2-8270.jpg
Thị xã Hà Tĩnh thời Pháp thuộc (năm 1934). Ảnh: Tư liệu.

Nhằm đưa trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh lên một tầm vóc mới, triều đình nhà Nguyễn ban hành dụ thành lập đô thị Hà Tĩnh vào ngày 11 tháng 6 năm 1924 (ngày 10 tháng thứ 5 vào năm Giáp Tý). Dụ đạo này được Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin chuẩn y bằng Nghị định ngày 30 tháng 7 năm 1924. Dụ của vua Khải Định quy định giới hạn địa lý của trung tâm đô thị nằm ngoài khu vực thành cổ.

"Chúng tôi Nguyễn Hữu Bái, Hồ Đắc Trung, Thân trọng Huề Võ Liêm, Trần Đình Ba, Phạm Văn Thư, Nguyễn Đăng Tâm, là thành viên Hội Đồng Phụ chánh, có vinh dự ban hành Dụ Hoàng gia, nội dung như sau :

Trẫm, Đại hoàng đế An Nam.

Xem xét việc cần thiết để đem lại cho khu trung tâm Hà Tĩnh thuộc tỉnh lỵ Hà Tĩnh, nơi tầm quan trọng ngày càng tăng lên, phương tiện để thực hiện các công trình vệ sinh và làm đẹp cần thiết nhằm nâng cao phúc lợi cho dân và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc định cư của các công dân Pháp.

Trung tâm Hà Tĩnh sẽ được xây dựng thành đô thị. Trung tâm đô thị này sẽ được giới hạn bởi :

Ở phía Bắc: Đường từ lò mổ đến nghĩa địa của người Hoa. Đường từ nghĩa địa của người Hoa đến khu mộ nhà sư nằm gần giao lộ của đường Hộ Độ với đường bắt đầu từ nghĩa địa của người Hoa nối với đường Hộ Độ.

Đường từ khu mộ nhà sư tại giao lộ của Đường Thuộc địa số 1 với đường đi Truông Bát.

Ở phía Tây : Đường Thuộc địa số 1.

Về phía Nam : Đường từ giao lộ với đường Thuộc địa số 1 và đường xuyên qua trung tâm đô thị đi qua Nhà Thương cho tới Chùa Cam (chùa Cảm Sơn ?).

Một đường từ chùa đến lò mổ.

Khu vực nội thành không thuộc trung tâm đô thị.

Một Ủy ban bao gồm Công sứ tỉnh Hà Tĩnh và các quan lại địa phương sẽ xác định các khu đất có thể bị trưng dụng.

Nếu đất đai thuộc sở hữu của cư dân có tính chất kế thừa và đã sử dụng liên tục từ lâu thì chủ sở hữu sẽ được xác nhận quyền lợi của mình.

Đồng thời dành riêng đất dùng cho các dịch vụ công cộng, chùa và đền, đất thuộc phạm vi công cộng, bến cảng, đường cao tốc, đất quân sự.

Nghị định của Toàn quyền sẽ xác định mức và tỷ lệ các loại thuế địa phương khác nhau phải trả đối với tất cả cư dân khu trung tâm và được coi là cần thiết để đảm bảo sự phát triển của đô thị.

Khâm thử »

duong-phan-dinh-phung-xua-7710.jpg
Đường Phan Đình Phùng xưa. Ảnh tư liệu Sỹ Ngọ

Từ đó trung tâm tỉnh lỵ ngoài khu vực "thành" còn có vùng "thị" (theo cách gọi tên của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh). Sau khi thành lập, đô thị Hà Tĩnh dần ổn định, tuy rằng quy mô rất nhỏ, chỉ tương đương với một thị trấn.

Có thể điểm tên các đường phố thời kỳ đó như sau.

Đường quốc lộ chạy qua thị xã Hà Tĩnh, thời đó gọi là đường Thuộc địa 1.

Đường phố chính cách quốc lộ 1 chừng một kilômét về phía Tây, được đặt tên là Lucien Lemaire, tên của Công sứ Hà Tĩnh từ năm 1916 đến 1919, còn được gọi là “Phố Lớn” (Grande rue). Đường nằm ở ngoài hào thành phía Nam. Từ cửa Tiền có cầu dẫn ra đường. Phía Bắc có khu dân cư, sân quần vợt và Sở Công chính. Phía Nam đường Lucien Lemaire có khu dân cư, phủ Công sứ và Sở Đoan (Sở Thương chính). Đường Lucien Lemaine tương ứng với đường Phan Đình Phùng hiện nay.

Đường Nguyễn Công Trứ đi về phía Hộ Độ (khoảng 7km về phía bắc). Cửa Hữu của thành cổ Hà Tĩnh hướng ra phía đường Nguyễn Công Trứ. Đây là một trong những con đường xưa nhất của trung tâm đô thị Hà Tĩnh, tên gọi không thay đổi từ đó đến nay.

Đường Monnet song song với đường Lucien Lemaire, cắt đường Nguyễn Công Trứ, nay là phố nằm giữa đường Phan Đình Phùng và đường Đặng Dung. Trường tiểu học Pháp Việt nằm trên phố này, là một trong ba trường toàn cấp của tỉnh, cùng với 2 trường khác ở Đức Thọ và Hương Sơn. Việc học chữ Hán cho đến khi thành lập đô thị Hà Tĩnh vẫn được duy trì, toàn tỉnh có 29 giáo viên tiếng Hán, trong đó mỗi trường toàn cấp có một giáo viên. Năm 1901, trường Pháp - Việt có 50 học sinh và 2 giáo viên người Việt. Năm 1924, trường Pháp - Việt có 6 giáo viên dạy chính và 4 giáo viên phụ, cùng với 1 giáo viên tiếng Hán. Hiệu trưởng trường lúc đó là Tôn Thất Cổn.

Đường Tôn Thất Hãn nằm song song với hai đường Lucien Lemaire và Monnet, ở vị trí đường Đặng Dung bây giờ. Mạn Bắc có chợ, khu dân cư, Phủ Công sứ. Phía Nam có đài phun nước, trạm phát điện, rạp chiếu phim, nhà sĩ quan Pháp, nhà thương và nhà Xéc (câu lạc bộ thể dục). Chợ chính và chợ lớn nhất Hà Tĩnh, được gọi là chợ Tỉnh, gần sông Cụt và có lối vào bằng thuyền từ sông Cụt, mỗi tháng họp phiên, vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 hàng tháng âm lịch. Nhà thương Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 1926, bốn mặt giáp đường Coudère, Tôn Thất Hãn, Hoàng Quang Phú và Filaos (phi lao). Ở nhà thương luôn có một bác sĩ người Pháp hoặc Việt do chính quyền thuộc địa phân bổ, thỉnh thoảng có thêm bác sĩ trợ lý hoặc bác sĩ thực tập.

Đường Coudère, ở vị trí tương đương với đường Nguyễn Chí Thanh hiện tại. Đường này song song với đường Nguyễn Công Trứ, cắt đường Tôn Thất Hãn và Lucien Lemaire, chạy tới phía Nam của thành Hà Tĩnh.

Đường Hoàng Quang Phú (mang tên Tuần vũ Hà Tĩnh năm 1917) nối đường Filaos với đường Tôn Thất Hãn, chạy giữa trạm xá và Câu lạc bộ thể dục.

Đường Filaos chạy dọc sông Cụt, nằm ở phía Nam của trạm xá. Hẳn trên đường này nhiều cây phi lao nên đường được đặt tên là Filaos theo tiếng Pháp. Đường Filaos nay tương ứng với đường 26 - 3.

Đường Rouan nằm ở bên kia sông, chạy dọc sông Cụt tới ngã tư đường đi đến núi Nài và đường vào Huế. Đường Rouan nay gọi là đường Nam Ngạn.

Các đường này ban đầu rải đá, sau này làm thành đường nhựa. Năm 1927 chính quyền thuộc địa chi một số ngân sách để làm sửa sang đường sá, làm cống thoát nước, máng xối và mép vỉa hè.

bht_br_tp-ha-tinh-2-2949.jpg
Thành phố Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh Huy Tùng

Khu dân cư trên phố là những ngôi nhà nhỏ lợp ngói, nằm liền kề nhau, là nhà dân hoặc là các cửa tiệm buôn bán của người Việt, người Hoa. Nhà cửa thời đó cùng một kiểu kiến trúc, theo quy định chung của Phủ Công sứ. Ví dụ tại các khu dân cư mới, việc xây dựng nhà cửa có diện tích bề mặt dưới 200 mét vuông bị cấm, diện tích nhà không được vượt quá 1/4 diện tích bề mặt khu đất sở hữu, chiều cao của nhà trệt hay tầng nhà đều phải trên 2,5m; nhà mặt phố đều treo biển số nền màu xanh chữ số màu trắng.

Nhà trong khu vực đô thị phải có hàng rào bao kín, hàng rào bằng cây phải được cắt tỉa thường xuyên còn tường xây thì cứ hai năm một lần nhà phải được quét vôi lại. Bất kỳ công trình xây dựng mới hay cũ nào trên đường phố có hệ thống cống rãnh phải được bố trí sao cho dẫn nước mưa và nước sinh hoạt vào đó. Quy định chung về đô thị đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh công cộng và trật tự, an toàn giao thông đối với xe cộ, xe ngựa, xích lô và người đi bộ.

Khu dân cư tập trung trên hai trục đường Lucien Lemaire và Nguyễn Công Trứ, khu vực gần chợ và sông Cụt. Bưu ảnh xưa cho thấy 2 phố này rất tấp nập và nhộn nhịp, với người đi chợ gồng gánh, trẻ em chơi bên vệ đường, lính vệ binh đi lại, người đẩy xe đạp, người đẩy xe xích lô, xe ô tô jeep chạy trên đường. Người sang trọng mặc áo dài the đen, quần trắng, đi dép và mang ô, người bình dân mặc quần áo thô, đầu đội nón, đi chân đất.

Trước năm 1945, thị xã Hà Tĩnh bao gồm 8 phố: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn (4 phố này tương ứng với 4 phía bên ngoài cửa thành), Tân Giang ở bờ Bắc và Nam Ngạn ở bờ Nam sông Cụt, Hoàn Thị và Tịnh Trung.

Qua một thế kỉ hình thành, thay đổi và phát triển, các công trình và những ngôi nhà cổ xưa xinh xắn ngày nay không còn, nhưng các trục đường chính gần như vẫn như cũ, được nối dài thêm và nhiều đường mới xung quanh được mở ra. Đường sá, nhà cửa khang trang, rộng rãi, đô thị đã được mở rộng hơn nhiều so với trước. Từ một thị xã nhỏ bé ít được biến đến, ngày nay thành phố Hà Tĩnh đã là một đô thị văn minh, hiện đại, một trong những đô thị quan trọng của miền Trung, không những là trung tâm hành chính của một tỉnh mà còn là điểm đến du lịch và văn hóa đối với nhiều người cả trong và ngoài nước.

Đọc thêm

Xuân về cùng mùa hoa

Xuân về cùng mùa hoa

Khi thời gian dần dịch chuyển về những ngày cuối cùng của năm cũ cũng là lúc người trồng hoa, chăm bón cây cảnh ở Hà Tĩnh tất bật chuẩn bị cho một mùa xuân mới.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Thực hiện mục tiêu thu hút hơn 14 vạn lượt du khách trong năm 2025, các đơn vị quản lý, kinh doanh tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) đang tập trung nguồn lực chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Tiết mục Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát. Soạn lời: NSND Nguyễn An Ninh. Biểu diễn: Nghệ nhân Văn Sang - Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi. Thơ: Nguyễn Công Trứ. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.