“Những buổi ngày xưa vọng nói về...”

(Baohatinh.vn) - Một ngày cuối tháng 5 lịch sử, tôi cùng cô trò lớp 6C - Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) thăm lại các chứng tích lịch sử của Thành Sen. Mỗi bước chân trên thành phố thân thuộc đã mở ra biết bao điều mới lạ, gắn kết thế hệ hôm nay với cha ông xưa…

Chuyện về 3 “đóa hoa Hường” trinh liệt

Trong rất nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử của đô thị Thành Sen, tôi luôn muốn kể lại cho các thế hệ trẻ câu chuyện về 3 nữ liệt sĩ mang tên Trần Thị Hường - biểu tượng cho tinh thần yêu nước, anh dũng, quật cường của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ binh lửa.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là ngôi nhà lưu niệm thờ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tám ở đường Trần Thị Hường, phường Bắc Hà. Mẹ Nguyễn Thị Tám có 2 con là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh đó là Trần Thị Hường (SN 1911) hy sinh tháng 8/1930 và Trần Đình Tứ (SN 1921), hy sinh năm 1949. Trong ngôi nhà mà liệt sĩ Trần Thị Hường được sinh ra và lớn lên, câu chuyện về người nữ chiến sĩ Xô viết đã khiến chúng tôi mở mang thêm nhiều.

IMG_7563.JPG
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng kể về chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh với học trò lớp 6C, Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh).

Lớn lên trong cảnh nước nhà lầm than, 17 tuổi, chị Trần Thị Hường đã sớm ý thức được trách nhiệm của mình và xung phong tham gia cách mạng. Bị đuổi bắt khi đang mang trong người tài liệu bí mật của Đảng, chị đã dũng cảm nhảy xuống sông Già để thủ tiêu tài liệu nhưng địch bắt được, trói, đánh đập từ cầu Già về đến thị xã Hà Tĩnh, rồi giải đi khắp các tuyến phố Hà Tĩnh để bêu riếu, làm nhục, uy hiếp những người làm cách mạng.

Lần theo câu chuyện cũ, tôi cùng cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm dẫn các cháu đến thăm chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh, nơi địch đã giam giữ, tra tấn chị Trần Thị Hường và là nơi chị đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi. Đây cũng là nơi các chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng từng bị bắt giam và tra tấn như: Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập, Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên), Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Liễn… Từ đây, các em học sinh hiểu rõ hơn về những tên đường, tên phố, tên trường ở TP Hà Tĩnh cũng như ở một số địa phương trong tỉnh.

Nữ liệt sĩ thứ hai mà tôi muốn kể cho các em học sinh là chị Trần Thị Hường (SN 1949), người làng Đồng Quế xưa, nay là phường Nam Hà. Chị là một trong 10 cô gái thanh niên xung phong của Tiểu đội 4, C552, hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc ngày 24/7/1968. Trong căn nhà ở đường Hà Tôn Mục (tổ dân phố 7, phường Nam Hà), ký ức về người con gái dũng cảm vẫn được người thân gìn giữ.

IMG_7577.JPG
Cô Nguyễn Thị Hằng cùng học trò thăm ngôi nhà của liệt sĩ Trần Thị Hường, một trong 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc).

Ông Trần Hậu Phượng (SN 1965) - người em con cậu của chị Hường rưng rưng giở từng bức hình của bà nội, cha mẹ và những người thân yêu đã nuôi dưỡng chị em chị Hường lúc còn bé (khi bố chị hy sinh, mẹ tái giá). Ông Phượng nhớ lại: “Chị Trần Thị Hường hát rất hay, chị luôn ao ước được đi học để trở thành ca sỹ nhưng khi quê hương đang chìm trong bom đạn quân thù, chị đành gác lại ước mơ, xung phong tham gia dân quân tự vệ của thôn Đồng Quế, rồi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu ở Đồng Lộc”.

Đúng như ông Phượng kể, trong ký ức nhiều đồng đội của chị Hường, ở C552, chị được mệnh danh là “chim sơn ca”. Nơi chiến trường Ngã ba Đồng Lộc khói lửa, tiếng hát của chị cất lên đã xua tan mệt nhọc cho đồng đội, giúp họ có thêm động lực chiến đấu.

Cũng tại ngôi nhà của ông Phượng, chúng tôi đã ôn lại câu chuyện về một người con gái khác cũng mang tên Trần Thị Hường. Đó là chị Hường - chiến sĩ tự vệ của Đại đội dân quân thị xã Hà Tĩnh. Chị được giao trực pháo tại trận địa pháo Bồng Sơn (khu vực Trường Tiểu học Nam Hà hiện nay) vào năm 1972. Trong một trận đánh phá của giặc Mỹ, chị đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 17. Chiến sĩ tự vệ Trần Thị Hường tuy sống ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) nhưng quê gốc lại ở Huế. Sau chiến tranh, người thân của chị chuyển về Huế sinh sống.

Sáng mãi tinh thần cách mạng quật cường

Là một thị xã “phố làng” nhỏ bé nhưng Thành Sen là đất giang sơn tụ khí cả về phong thổ địa lý lẫn các trầm tích văn hóa. Đây từng là vùng đất biên trấn, gắn với nhiều dấu ấn, sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc. Thời nào, thành phố Hà Tĩnh cũng có những anh hùng, chí sỹ, danh nhân. Ở họ luôn chất chứa sức mạnh to lớn của tinh thần quật khởi và ý chí bảo vệ Tổ quốc. Rõ nét nhất là từ thế kỷ XIX, khi tham gia phong trào Cần Vương do cụ Phan Đình Phùng khởi xướng.

Thời kỳ đó, Thành Sen là nơi hội tụ anh hùng bốn phương, cùng nhau kiên cường, bền bỉ thực hiện cuộc kháng chiến 10 năm. Đó chính là cơ sở để từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân thị xã Hà Tĩnh cùng với Nhân dân Nghệ Tĩnh làm nên phong trào Xô viết quật cường và sau đó là các phong trào cách mạng để vùng lên giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tinh thần đó cũng xuyên suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.

IMG_7548.JPG
Cô Nguyễn Thị Hằng cùng các em học sinh thắp hương cho gia đình liệt sĩ Trần Thị Hường hy sinh năm 1930, ở phường Bắc Hà.

Thời kỳ trứng nước của cách mạng, có biết bao người con của thị xã Hà Tĩnh đã xả thân hy sinh vì nước, bị tù đày tra tấn mà vẫn kiên trung như: Trần Thị Hường, Trần Hậu Toàn, Nguyễn Chính Lưu, Trần Tráng, Trần Thị Liên, Nguyễn Đình Chuyên, Nguyễn Thị Khương... Những người kế tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sau này như Anh hùng liệt sĩ Lê Bình, các Anh hùng LLVT nhân dân: Dương Chí Uyển, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Viết Hồng, Anh hùng Lao động Trương Sĩ, liệt sĩ Lê Sĩ Bích, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Tư, Tiểu đội dân quân Núi Nài do bà Lê Thị Yên làm Tiểu đội trưởng và nhiều tập thể, cá nhân khác…

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, thành phố có hơn 1.400 liệt sĩ, hơn 10.000 gia đình có công với cách mạng… Biết bao người vợ, người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”. Toàn thành phố có 108 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 4 mẹ hiện còn sống. Họ đã làm đẹp thêm truyền thống anh hùng của quê hương, góp phần vào bản hùng ca của đất nước, để hôm nay, đi đâu trên mảnh đất quê hương, chúng ta cũng rưng rưng niềm tự hào, xúc động.

co Hang.JPG
Các em học sinh lớp 6C cùng cô giáo Nguyễn Thị Hằng đến thăm quảng trường trung tâm TP Hà Tĩnh.

Tôi lại cùng cô trò lớp 6C đến thăm quảng trường trung tâm TP Hà Tĩnh, nơi chứng kiến bao thăng trầm dâu bể của lịch sử gần 200 năm, kể từ năm 1831 vua Minh Mạng lập tỉnh, chọn Hà Tĩnh đặt tỉnh lỵ và 100 năm kể từ khi thành lập thị xã Hà Tĩnh (năm 1924). Phía trước quảng trường giáp với đường Phan Đình Phùng chính là nơi diễn ra cuộc biểu tình của Nhân dân Thành Sen và các vùng lân cận trong cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” năm 1945. Đoàn biểu tình đã kéo về dinh tỉnh trưởng Hà Văn Đại (nay là trụ sở BIDV Hà Tĩnh) yêu cầu giao lại chính quyền cho đoàn quân cách mạng. Phía xa, sông Phủ, núi Nài vẫn trầm mặc. Dòng chảy ký ức hòa vào nhịp sống sôi động của Thành Sen ngày mới. Trên trận địa ra-đa ở núi Nài ngày 26/3/1965, thay cho tiếng súng dồn dập là tiếng chuông chùa Cảm Sơn bình yên ngân vọng.

Đi bên cạnh tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hằng không thôi xúc động: “Chuyến trải nghiệm hôm nay của cô trò chúng em thật vô cùng ý nghĩa. Các cháu đã hiểu hơn về những con người anh dũng của quê hương, còn em cũng có những cảm nhận mới về những góc phố, hàng cây, những công trình… Thành Sen của mình bình dị mà chất chứa những giá trị thiêng liêng, đẹp đẽ. Em sẽ cố gắng truyền tải vẻ đẹp của Thành Sen cho các học trò thân yêu chị ạ”.

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống