Sáng 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba - Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng đại biểu các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Thuận thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Tổ trưởng Tổ thảo luận 15 điều hành phiên thảo luận tổ. |
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận 15 điều hành phiên thảo luận.
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ kịp thời hoàn thiện và trình phương án hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quan tâm, xử lý các tuyến đường dân sinh và tuyến đường nội tỉnh sau khi xây dựng các dự án đường cao tốc.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề về sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; phạm vi đầu tư, hình thức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư và phân chia các dự án thành phần; sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phương án thu hồi vốn đầu tư; phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiến độ hoàn thành các dự án; các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án; tác động của dự án đối với tuyến đường hiện hữu.
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn tỉnh Hưng Yên): Đề nghị Chính phủ cần ban hành quyết định chủ trương phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thống nhất giữa các địa phương, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá cụ thể trữ lượng các mỏ đất, cát để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu xây dựng; đánh giá rõ mức độ, giải pháp phù hợp bố trí nguồn vốn giữa các dự án.
Các đại biểu cho rằng, trước khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, Chính phủ cần ban hành quyết định chủ trương phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thống nhất giữa các địa phương, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá cụ thể trữ lượng các mỏ đất, cát; đảm bảo nguồn nguyên vật liệu xây dựng; đánh giá rõ mức độ, giải pháp phù hợp bố trí nguồn vốn giữa các dự án; đảm bảo phù hợp giữa quy hoạch giao thông - quy hoạch tỉnh - quy hoạch vùng.
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Đoàn tỉnh Ninh Thuận): Cần xem xét đảm bảo phù hợp công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; cơ chế chỉ định thầu, cơ chế khai thác khoáng sản; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Cùng đó, Chính phủ cần giải trình rõ hình thức đầu tư; phân tích, dự báo, cân nhắc các giải pháp cụ thể ứng phó với tình hình hiện nay; giải pháp căn cơ, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; xem xét đồng thời với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị; rà soát lại cơ chế đặc thù, đảm bảo phù hợp, khả thi; kịp thời hoàn thiện và trình phương án hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quan tâm, xử lý các tuyến đường dân sinh và tuyến đường nội tỉnh sau khi xây dựng các dự án đường cao tốc.
ĐBQH Mai Khanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình): Đề nghị cơ quan thẩm định về giá vật liệu cần bám sát giá thị trường, cung ứng vật liệu thi công; khẩn trương triển khai dự án nhằm tránh lãng phí.
Tổng hợp kết quả thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, việc triển khai các dự án vào thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, mục đích sử dụng rừng và các quy định hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ; công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung cao.
Đề nghị Chính phủ, các địa phương rà soát kỹ lưỡng vật liệu triển khai các dự án để công trình vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng; rà soát kỹ lưỡng việc quy hoạch các tuyến giao thông kết nối giữa các hệ thống và nút giao; tiếp tục đề ra các cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.