Khi cả nước bước vào giai đoạn quyết định trong chiến dịch thứ 4 chống COVID-19 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg với phương châm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch
Trong bối cảnh đó, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đồng lòng chung sức chống dịch: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã hiệu triệu tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Hàng chục vạn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ mọi miền trên cả nước, đặc biệt là lực lượng cán bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực miền Nam, miền Trung… đã và đang quyết tâm dồn sức cho cuộc chiến với đại dịch. Phải xa gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư, các y bác sỹ đã lên đường thực hiện mệnh lệnh từ trái tim - đó là cứu sống người bệnh. Họ đã không quản ngày đêm, làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt ở các tâm dịch để xét nghiệm, sàng lọc, truy vết, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.
Mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống trong quá trình hỗ trợ và chữa trị cho bệnh nhân, không ít y bác sĩ đã làm việc đến kiệt sức, nhiều người trong số đó đã nhiễm bệnh và có người đã hy sinh vì nhiệm vụ. Nhưng, với tinh thần “tất cả vì cộng đồng”, các “chiến binh áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch đã lan tỏa truyền thống đoàn kết, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
Sinh viên y khoa TP Hồ Chí Minh xung phong vào tâm dịch.
Trong cuộc chiến này, hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ công an, quân đội, nhà báo, tình nguyện viên…không quản khó khăn gian khổ, xông pha vào những vùng tâm dịch với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, với các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Cũng từ lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống COVID-19” của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc mà mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân trên cả nước đều đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế.
Ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xuất hiện các cây ATM đặc biệt như: ATM gạo, ATM mì, ATM khẩu trang và oxy… kịp thời hỗ trợ cho những người nghèo, người yếu thế, giúp họ vơi bớt khó khăn trong “bão dịch”. Ở những vùng tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Yên, Bà Rịa -Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Giang…, các bếp ăn 0 đồng đã cung cấp hàng nghìn suất ăn miễn phí cho người bệnh, người nghèo, lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly. Những bếp ăn và những gian hàng 0 đồng đã góp phần làm ấm lòng biết bao con người giữa những ngày tháng khó khăn chồng chất.
Mỗi suất cơm, cân gạo, gói mì được trao đi là tình cảm, tâm huyết của rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước với mong muốn chung tay, góp sức cùng Đảng và Nhà nước bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho Nhân dân. Hiếm thấy có một đất nước nào mà có sự tham gia đông đảo, đầy trách nhiệm của cả bộ máy chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 như Việt Nam.
Trong cuộc chiến đầy cam go này, tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của dân tộc Việt Nam còn được thể hiện qua Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 miễn phí cho toàn dân. Với thông điệp, ủng hộ Quỹ vắc-xin là chia sẻ gánh nặng cho đất nước, ngay khi vừa thành lập (ngày 26/5/2021), quỹ đã nhận được sự đóng góp và ủng hộ của đông đảo Nhân dân, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực kinh tế trên khắp đất nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Quỹ vắc-xin.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức, chung lòng của toàn dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch đã và đang diễn ra ở một quy mô chưa từng có. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam không phải là quốc gia giàu tiềm lực, kinh nghiệm hay có trình độ chuyên môn cao nhất. Nhưng niềm tin và sự đoàn kết toàn dân là thứ “vũ khí tối tân” giúp Việt Nam khống chế thành công 3 đợt bùng phát trước đó và cơ bản kiểm soát được đợt dịch thứ 4.
Dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.