Doanh nghiệp làm ẩu...
Ngay từ khi bắt đầu khai thác (đầu năm 2019), Công ty Á Châu đã cố tình vi phạm phương thức thực hiện, trái với phương án thi công đã được phê duyệt. Thay vì khai thác lộ thiên, công ty này đã dùng vòi rồng hút cát và tập kết tại bãi ngay tại chân mỏ.
Do khai thác ồ ạt, sai phương pháp nên hiện nay khu vực mỏ cấp cho Công ty CP Tư vấn và xây dựng Á Châu đã cạn kiệt, bãi bồi ven sông đã biến mất sau gần 6 tháng mỏ đi vào hoạt động
Việc làm này đã bị chính quyền và các cơ quan chức năng nhiều lần “tuýt còi”. Chỉ trong 6 tháng đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng các cấp đã xử lý vi phạm đến 5 lần (ngày 15/1, ngày 4/4, ngày 17/5, ngày 21/5 và ngày 29/5).
Ông Bùi Đình Tâm - cán bộ Phòng TN&MT huyện Hương Sơn thông tin thêm: “Trước việc doanh nghiệp nhiều lần tái phạm buộc chúng tôi phải mạnh tay xử lý và lần xử phạt nhiều nhất lên đến 12 triệu đồng; trong đó phạt 6 triệu vì khai thác không đúng công nghệ, phương pháp và 6 triệu còn lại vì sử dụng bãi tập kết không đúng quy định.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã giao đơn vị khai thác đưa máy hút ra khỏi khu vực mỏ, giao trả mặt bằng bãi tập kết cho chính quyền địa phương và yêu cầu khắc phục một số nội dung sai phạm khác”.
Sau nhiều lần tái phạm, doanh nghiệp khai thác đã bị cơ quan chức năng thu vòi rồng, đình chỉ hoạt động chờ khắc phục xong các vấn đề còn bất cập, tồn tại...
Bao biện cho những lần sai phạm liên tiếp này, ông Hoàng Hữu Long - Giám đốc Công ty Á Châu cho rằng: “Việc doanh nghiệp khai thác sai công nghệ, phương pháp là bất khả kháng, bởi thực tế mỏ cát Sơn Diệm không thể khai thác lộ thiên mà phải dùng vòi hút giống như ở những mỏ cát khác. Việc xin thay đổi hình thức, phương pháp gặp khó khăn, không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Còn việc khai thác theo phương án đã được phê duyệt thì phải mua sắm máy móc, trang thiết bị rất tốn kém, làm tăng giá thành sản phẩm. Ngoài việc rơi vào thế “bí”, thường xuyên bị xử lý vi phạm, hiện chúng tôi cũng đang rất lo lắng, chán nản vì người dân không ủng hộ, đầu tư sẽ không an toàn...”.
Người dân đòi đóng cửa mỏ...
Qua quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, người dân các thôn 4, 5, 6, 7 và các vùng phụ cận rất bất bình trước việc Công ty Á Châu tiến hành khai thác mỏ với nhiều sai phạm. Đỉnh điểm của sự phản ứng là tối ngày 29/5 vừa đây, có khoảng trên 100 người dân ở các thôn đã kéo đến khu vực mỏ yêu cầu chấm dứt khai thác. Tiếp đó, trưa ngày 31/5, khi các cơ quan chức năng về kiểm tra, xác minh hiện trường thì có khoảng hơn 200 người lại kéo đến tụ tập để phản đối...
Người dân các thôn 4, 5, 6, 7 và một số vùng ven sông ở xã Sơn Diệm kéo nhau ra khu vực mỏ cát của Công ty Á Châu phản đối, yêu cầu đóng cửa mỏ vào tối 29/5/2019.
Làm việc với các thành viên trong Ban cán sự thôn 7, được biết: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri hay tất cả các diễn đàn khác, bà con đều có rất nhiều ý kiến phản đối và yêu cầu phải chấm dứt hoạt động của mỏ cát này. Lý do là mỏ sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mới hoạt động chưa lâu nhưng đã có dấu hiệu tụt nước ngầm của các hộ dùng giếng khơi. Việc dùng vòi rồng hút sâu như hiện nay sẽ gây nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông và thực tế cũng đã sạt lở đất sản xuất của một số hộ.
Các vị này cũng nhẩm tính, “với công suất khai thác cho phép 10.000 m3/năm thì bình quân mỗi ngày mỏ chỉ được hút gần 30 m3, tương đương với 2-3 xe tải. Thế nhưng, thực tế mấy tháng qua, cát được hút chất thành đống cao, trưa hay đêm tối là xe cộ ra vào nườm nượp, không có ai kiểm soát. Do khai thác quá mức nên hiện nay cát tại mỏ đã hết, bãi bồi không còn nên việc chấm dứt hoạt động như nguyện vọng của bà con là phù hợp thực tế”.
Ban cán sự thôn 7 khẳng định: Thời gian qua, trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con trong thôn đều yêu cầu đóng cửa mỏ cát.
Ông Lê Trọng Thân - Trưởng thôn 7 cho biết thêm: “Bà con trong thôn phản đối quyết liệt một phần cũng vì mỏ đã lấn chiếm đường dân sinh ra bờ sông lấy nước của nhân dân. Hơn nữa, trong quá trình chung sống, công nhân mỏ và người dân sở tại đã bắt đầu có những xích mích”.
Cần tập trung xử lý dứt điểm
Theo ông Bùi Đình Tâm - cán bộ Phòng TN&MT huyện Hương Sơn: “Để ổn định tình hình, UBND huyện Hương Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung vào cuộc. Trước mắt là yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Việc xử lý vi phạm được giao cho các phòng, ngành thực hiện nghiêm túc, sai đến đâu, xử lý đến đó.
Về việc rút giấy phép thì không chỉ đơn thuần là phụ thuộc vào ý kiến của nhân dân mà còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp vi phạm đến mức phải rút giấy phép hay chưa và phải do UBND tỉnh quyết định”.
Đây là những lối ra sông đã có hàng trăm năm nhưng nay đang bị chủ mỏ ngăn cấm không cho qua lại. Việc lấy nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc bị cản trở khiến nhân dân bất bình.
Ông Lê Khắc Ái - Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm cũng khẳng định: “Doanh nghiệp sai phạm là đã rõ, nhân dân bức xúc là có thật. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, đưa vòi rồng về trụ sở, bố trí lực lượng giám sát thường xuyên để không cho doanh nghiệp tiếp tục sai phạm. Trong lúc chờ cấp trên có hướng giải quyết cụ thể thì chúng tôi cũng tuyên truyền vận động nhân dân cần bình tĩnh, không gây mất ổn định tình hình”.
Qua quan sát thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã tập trung vào cuộc. Những ngày này, mỏ cát đã ngừng hoạt động, tình hình đã yên bình trở lại. Tại khu vực mỏ, hiện không còn cát nổi, chỉ còn một số máy móc, tàu xuồng, bãi tập kết cũng còn trữ lượng ít.
Doanh nghiệp cố tình sai phạm có hệ thống nên vòi rồng bị tịch thu, các thiết bị khai thác đang nằm chỏng chơ trên bãi.
Tuy nhiên, như thế là chưa đủ bởi mỏ cát vẫn đang là chủ đề “nóng”, gây bức xúc trong nhân dân khiến họ kiên quyết phản đối đến cùng, thậm chí là dùng những biện pháp tiêu cực. Do vậy, nguy cơ mất ổn định tình hình luôn tiềm ẩn. Vì vậy, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần hết sức cẩn trọng trong quá trình xử lý!
Ngày 5/4/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép cho Công ty Á Châu (thành phố Hà Tĩnh) được khai thác mỏ cát tại bãi bồi sông Ngàn Phố, thuộc địa bàn thôn 7, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn. Khu mỏ này có diện tích 1,3 ha, trữ lượng 27.397 m3, công suất 10.000 m3/năm, thời gian khai thác 4 năm (đến năm 2022). Theo thiết kế đã được Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt tại văn bản số 755/SXD-KT&VLXD ngày 12/8/2017 thì công ty chỉ được khai thác cát dọc bờ sông, bằng cách xúc bốc bằng máy xúc và vận tải bằng ô tô tự đổ, trình tự khai thác từ hạ nguồn đến thượng nguồn. |