Những ngày này, thủy triều xuống thấp, gió nhỏ, sản phẩm đến độ thu hoạch... nên HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) huy động tối đa công nhân thu hoạch hàu thương phẩm tự nhiên (hàu đá) ở khu vực bãi bồi Cửa Sót. Cả ông chủ lẫn công nhân đều rất phấn khởi vì mỗi ngày có thể xuất bán được 3 tấn hàu với mức giá 7.000/kg, thu về 21 triệu đồng.
Sau 1 tuần xuất bán, HTX đã xuất bán ra thị trường 25 tấn hàu thương phẩm được nuôi theo phương thức hoàn toàn tự nhiên (không cấy giống, không cho ăn, không dùng chất kích thích, không sơ chế và bảo quản), tươi ngon, ruột chắc. Vì đang bước vào mùa du lịch, nhu cầu thị trường cao nên khai thác bao nhiêu có thương lái đến thu mua hết bấy nhiêu. Hiện, bãi nuôi còn khoảng 24 nghìn tấn, có thể bán từ nay đến hết tháng 6 âm lịch, thu về hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng chia sẻ: “Cách đây hơn 5 năm, tôi được huyện Lộc Hà cho đi tham quan, học hỏi ở Quảng Ninh và đặc biệt ấn tượng với cách nuôi hàu. Họ dùng hàng chục nghìn cọc tre bắc ngang dọc trên mặt nước, mỗi thanh tre treo hàng chục chuỗi vỏ nhuyễn thể đã chết (mỗi chuỗi dây dài khoảng 80 cm, cột 4 – 5 vỏ) để làm giá thể cho hàu tự nhiên bám vào sinh trưởng.
Dù rất háo hức nhưng lúc nghe họ trao đổi, hướng dẫn thì tôi nhận ra rằng đó chỉ là phần “nổi”, chưa phải là bí quyết thực sự. Vì tôi hiểu rằng “mình đang đứng dưới gốc cây nhưng không dễ dàng hái quả” nên dù rất muốn nhưng cũng không vội vàng làm theo”.
Với quyết tâm đưa nghề mới về quê hương và làm giàu cho bản thân, 4 năm liền, ông Nguyễn Văn Việt đã nhiều lần ra Quảng Ninh để học nghề. Yêu mến, đồng cảm và tin tưởng ông, bạn nuôi trồng ở Đất mỏ đã hướng dẫn, chia sẻ tận tình kinh nghiệm, bí quyết riêng. Khi thấy kinh nghiệm đã đủ, quy trình đã ổn, những điều băn khoăn được giải đáp, ông Việt bắt tay xây dựng mô hình nuôi trồng tại quê nhà từ đầu năm 2023.
Ròng rã gần 3 tháng trời, bất kể ngày hay đêm, cứ thủy triều xuống là ông cùng người làm lại ra bãi bồi "xây" mô hình. Hơn 12.000 cọc tre dài 3m và hàng trăm cây mét khoảng dài 7m đóng xuống bùn đất và bắc ngang dọc làm giàn. Làm xong giàn đỡ, ông tiến hành cột hàng vạn chuỗi giá thể để bắt đầu nuôi loài mới. Nhờ kiên trì, bền bỉ nên đến thời điểm này, ông đã có giàn nuôi hàu kiên cố với diện tích hơn 2,5 ha.
Triển khai mô hình, ông Việt đã đầu tư 650 triệu đồng mua tre, dây cột và thuê người làm các chuỗi giá thể. Sau 1 năm, những chuỗi giá thể treo đầu tiên đã cho thu hoạch, sản lượng tốt, sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ... nên ông đang gấp rút mở rộng diện tích nuôi. Phấn đấu đến năm 2025, ông Việt sẽ có 5 ha nuôi hàu tự nhiên bao quanh hết diện tích bãi nuôi ngao của mình. Sau khi nhân rộng mô hình thành công, ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho người nuôi trong vùng cùng phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ thêm: “Mô hình của tôi có rất nhiều lợi ích. Cách nuôi này không cần nhiều chi phí vì không phải mua giống, không cần cho ăn, chỉ cần tiền nhân công và chi phí giàn treo nên cho lợi nhuận cao (400 - 500 triệu đồng/ha). Ngoài thu hoạch trên giá thể, mô hình còn thu sản phẩm dưới đáy bãi bồi do hàu sẽ tự đến ở với mật độ dày, con lớn”.
Ông Lê Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Mai Phụ (Lộc Hà) đánh giá: Hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Việt luôn là điển hình tiêu biểu trong sản xuất, nhiều lần được huyện, tỉnh, Trung ương Hội Cựu chiến binh tuyên dương. Ông chính là người đầu tiên đưa mô hình nuôi ốc, nuôi ngao Bến Tre về địa bàn và phát huy hiệu quả, giúp người nuôi trồng ổn định sinh kế, cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng/hộ.
Hiện tại, ông Nguyễn Văn Việt đã xây dựng thành công mô hình nuôi hàu tự nhiên đầu tiên ở huyện và có quy mô lớn nhất tỉnh nên cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con rất phấn khởi. Ngoài việc giúp HTX phát triển sản xuất, mô hình này còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, hỗ trợ các hộ nuôi khác có hướng đi mới để nâng cao hiệu quả sử dụng đất bãi bồi vùng mặn lợ.