Độc đáo nét "phố trong làng" ở khu dân cư vùng lũ Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với đặc thù của vùng thường xuyên ngập lụt, cấp ủy cùng người dân thôn Văn Khang, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) đã có cách làm riêng để xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu, vừa đảm bảo đạt chuẩn bền vững, vừa có thể “sống chung” với lũ.

Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Văn Khang, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh)

Thôn Văn Khang được bao bọc bởi sông La và sông Lam. Là vùng rốn lũ nên lũy tre là thành trì vững chắc che chở cho người dân chống chọi với bão lụt từ bao đời nay. Và đây cũng chính là việc đầu tiên, khó khăn nhất đối với cấp ủy thôn trong vận động bà con phá bỏ vườn tạp (chủ yếu là tre) để trồng các loại cây có giá trị kinh tế khác.

Trong xây dựng NTM, thôn Văn Khang đã quy hoạch trồng thêm tre ở bìa làng thành 1 vành đai chắn sóng.

Ông Đào Hồng Minh – Trưởng thôn Văn Khang cho biết: Chi bộ thôn đã ra nghị quyết chuyên đề về cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu. Cấp ủy, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu giúp nhân dân cải tạo vườn tạp; vận động loại bỏ tre và những cây không có giá trị kinh tế ở nội thôn, quy hoạch tre ở bìa làng thành 1 vành đai chắn sóng.

Trong quá trình vận động, cấp ủy thôn luôn nhất quán quan điểm: “Vườn mẫu là phải có thu nhập, sống được bằng vườn mẫu, không phải xây dựng vườn mẫu để ngắm hoặc để báo cáo”. Với đặc thù của 1 vùng quê hay bị ngập lụt, các vườn mẫu đều chọn các loại cây, con thích ứng với lũ lụt như chanh bưởi, cam...; nuôi bồ câu, gà thả vườn, ngan, vịt...

Đối với những hộ không đủ điều kiện làm vườn mẫu thì vận động xây dựng vườn đẹp, quy hoạch rõ khu chăn nuôi, khu trồng rau sạch. Đến nay, Văn Khang đã có 6 vườn mẫu cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm và hàng chục vườn cho thu nhập 30-50 triệu đồng.

Với đặc thù của một vùng quê hay bị ngập lụt, cấp ủy cùng với các nhà vườn tìm hiểu nuôi trồng các loại cây, con thích ứng với lũ lụt.

Song song với vận động cải tạo vườn tạp, thôn Văn Khang tiến hành nâng cấp và mở rộng đường nội thôn. Trước thực trạng đường nội thôn chật hẹp (chỉ 2-3m), cấp ủy thôn đã vận động bà con nhân dân hiến cây, tường rào, hiến đất để mở rộng giao thông nội thôn. Đến nay, người dân đã hiến được gần 2.000 m2 đất vườn, di dời 300m hàng rào cứng, hàng trăm cây ăn quả các loại; làm mới 4 tuyến đường bê tông cứng với tổng chiều dài 6 km, mặt đường rộng 5-6m.

Khi đã có đường tốt, cấp ủy giao cho mỗi tổ chức đảm nhiệm 1 - 2 tuyến đường “sáng, xanh, an toàn, sạch đẹp”. Tiêu biểu có đoạn đường của chi hội CCB dài 300m, hai bên đường được trồng hàng rào xanh kết hợp với 60 chậu hoa. Mùa nào hoa nấy, một khung cảnh “làng trong phố và phố trong làng” hiện hữu.

Song song với vận động cải tạo vườn tạp, thôn Văn Khang tiến hành nâng cấp và mở rộng đường nội thôn.

Trên các trục đường thôn được trồng cây xanh và bố trí ghế đá, đây là nơi nghỉ ngơi sau những giờ làm đồng mệt nhọc hay trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái, gắn kết tình làng nghĩa xóm

Một trong những tiêu chí khu dân cư mẫu khó thực hiện và duy trì nhất đó là tiêu chí vệ sinh môi trường. Cấp ủy và Tiểu ban phát triển thôn đã tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ xi măng và ngày công để nhân dân di dời 15 công trình phù hợp môi trường và mỹ quan.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khu dân cư mẫu, ông Đào Hồng Minh cho biết, điều quan trong nhất đó là biết cách tuyên truyền, biểu dương, phê bình đúng mức, đúng thời điểm. Từ đó, người được khen thì phấn khởi tự hào để làm tốt hơn, người bị phê bình sẽ khắc phục sửa chữa.

Về thôn Văn Khang với nhiều nét đổi thay, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, vườn hộ xanh mướt mùa nào rau nấy. Chiều chiều trên sân thể thao nhà văn hóa thôn, người dân từ già trẻ, trai gái đều hăng say chơi thể thao. Qua đây, gắn kết tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, thương yêu cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói