Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (1962-2017). Ảnh Anh Linh/TTXVN
- Thưa Giám đốc, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Khoa Báo chí đối với hoạt động đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền?
PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Có thể khẳng định rằng, ra đời từ năm 1962, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cái nôi đào tạo báo chí sớm nhất ở Việt Nam.
Suốt chặng đường 55 năm qua, Khoa Báo chí đã đào tạo hàng ngàn nhà báo có trình độ trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, đáp ứng phần lớn nhu cầu nguồn nhân lực báo chí truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thông ở Trung ương, các địa phương và các cơ quan báo chí thường trú ở nước ngoài.
Nhiều nhà báo từng là sinh viên Khoa Báo chí đã đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và quốc tế. Họ đã và đang góp phần không nhỏ để làm nên diện mạo của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, Khoa Báo chí còn đào tạo cán nhiều bộ báo chí cho các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia…
- Thưa ông, đâu là hướng đi đối với các chuyên ngành đào tạo báo chí - truyền thông ở Học viện Báo chí chí và Tuyên truyền nói chung và với Khoa Báo chí nói riêng?
PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và trình độ dân trí ngày càng cao, các trường đào tạo báo chí nói chung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng buộc phải tư duy lại mô hình đào tạo của mình; phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo sát với thực tế, có tính thực hành và ứng dụng cao, giảm thiểu lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành (70 -80% thực hành, 20 - 30% lý thuyết).
Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đổi mới quan trọng theo cả chiều rộng và chiều sâu, có thể khái quát thành các hướng đi căn bản sau đây:
Thứ nhất, hoạt động đào tạo báo chí truyền thông phát triển theo hướng vừa chuyên biệt hoá các loại hình, như: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử... theo hướng tích hợp đa phương tiện. Xu hướng này đem lại cho người học các lựa chọn khác nhau, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường truyền thông đa phương tiện hiện nay.
PGS, TS Trương Ngọc Nam tặng cuốn Những công trình khoa học tiêu biểu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 2012 - 2016 cho GS,TS Peter Rodenberg, Đại học Tổng hợp Hamburg (CHLB.Đức).
Thứ hai, Học viện đã và đang xây dựng, triển khai một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế, nhằm nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên.
Thứ ba, chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Đây là con đường để Học viện đổi mới mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến. Hiện nay, Học viện hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân Quảng cáo - Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Học viện theo phương thức nhượng quyền.
Thứ tư, chương trình đào tạo đang chuyển dần từ phương thức đào tạo chuyên sâu có tích hợp đa phương tiện, sang hoàn toàn tích hợp đa phương tiện. Đây là sự chuyển đổi cần thiết trước xu hướng tích hợp truyền thông đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Sinh viên báo chí thực hành tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Văn Trường
- Được biết, thời gian gần đây Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất quan tâm đến lĩnh vực hợp tác quốc tế. Theo ông, điều kiện gì để Khoa Báo chí khẳng định trong tiến trình hội nhập đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay?
PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Nhiều năm qua, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ khá bền chặt với nhiều cơ sở đào tạo báo chí quốc tế, như: Đại học Truyền thông Trung Quốc; Đại học Truyền thông Luân Đôn, Đại học Middlsex (Vương quốc Anh); Đại học Tổng hợp Viên (Áo); Đại học Truyền thông đại chúng (Philippin); Đại học Truyền thông Stockhom (Thụy Điển); Đại học Truyền thông Bon (Đức), Tổ chức Jaika (Nhật Bản), Tổ chức Koica (Hàn Quốc)... Đây là nhân tố không thể thiếu, đã và đang được coi trọng và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện nay, Học viện, trong đó có Khoa Báo chí giữ vai trò chính đang triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế, như: Xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao năng lực đào tạo báo chí và truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền”; hợp tác chặt chẽ với Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo) để tổ chức các khóa thực tập, hội thảo và nghiên cứu chung; triển khai nhiều hoạt động khoa học và nghiên cứu quốc tế về các chủ đề trọng tâm...
- Điều cốt lõi làm nên thương hiệu đào tạo báo chí - truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đó có Khoa Báo chí, đó là gì, thưa ông?
PGS,TS. Trương Ngọc Nam: Để có được thương hiệu và uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học như hiện nay, phải kể đến những nhân tố cơ bản sau đây:
Thứ nhất, trước sự phát triển nhanh chóng, đổi mới mạnh mẽ của báo chí nước ta, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm và tạo điều kiện cho công tác đào tạo báo chí phát triển. Đảng ta có nhiều chủ trương, định hướng đúng cho công tác đào tạo; Nhà nước đầu tư ngân sách và cơ sở vật chất tốt hơn, xã hội theo dõi sát sao quá trình và chất lượng đào tạo. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy và học tập của sinh viên ngành Báo chí.
Thứ hai, điều căn bản nhất vẫn là chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ngày càng được nâng cao, giảng dạy gắn với làm nghề. Tôi cho rằng, giảng viên Khoa Báo chí tuy khá trẻ về tuổi đời nhưng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với nghề nghiệp, rất năng động, vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa đi học nâng cao trình độ, vừa hướng dẫn luận văn, luận án, viết và biên soạn giáo trình, vừa sử dụng khả năng ngoại ngữ của mình để dịch và biên soạn nhiều tài liệu báo chí nước ngoài có giá trị để nghiên cứu. Học viện hiện nay cũng như một “cơ quan báo chí”, vì có đầy đủ các cơ sở thực hành: với 1 tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, 1 website Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ajc.hcm.vn), 1 website: Sóng trẻ (songtre.vn), 1 website Báo chí với trẻ (cmvn.vn), 1 tòa soạn Đặc san Báo chí Trẻ, 1 studio truyền hình, 1 studio phát thanh… được trang bị hiện đại. Thầy và trò có điều kiện trực tiếp làm nghề, sản xuất các sản phẩm truyền hình, phát thanh, tờ báo in, trang web... ngay tại Học viện.
Hội khóa 20 năm sinh viên Báo chí khóa 11 (1992-1996)
Thứ ba, chương trình đào tạo báo chí luôn được cập nhật và đổi mới cho phù hợp với thực tế. Nhìn lại con số nhà báo đã trưởng thành, thành danh từ mái trường Học viện, có thể khẳng định rằng, việc cải tiến liên tục chương trình đào tạo là điều kiện “cần” và rất quan trọng để giữ vững thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện.
Thứ tư, từ nhiều năm nay, Khoa Báo chí đã gây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí - truyền thông trong cả nước. Các cơ quan báo chí này là nơi để sinh viên thực hành rèn nghề báo trong những năm học trong trường. Đây cũng là nơi “sàng lọc”, kiểm định sản phẩm đào tạo.
Trong thời gian tới, Học viện và Khoa Báo chí sẽ tổ chức nhiều hình thức định hướng nghề nghiệp như: giáo dục, tư vấn cá nhân, diễn đàn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm của những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các khóa… để sinh viên có quan niệm đúng hơn về chọn nghề, chọn việc sau khi tốt nghiệp…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Giảng viên Khoa Báo chí)