Đối thoại Shangri-La: Duy trì an ninh khu vực dựa trên luật lệ quốc tế

Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 diễn ra tại Singapore từ ngày 2-4/6 tới đây, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Tim Huxley cho biết một trong những trọng tâm chính sẽ được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất khu vực là làm sao duy trì được một trật tự dựa trên việc tuân thủ các luật lệ quốc tế.

doi thoai shangri la duy tri an ninh khu vuc dua tren luat le quoc te

Nguồn: iiss.org

Điều này cũng có nghĩa rằng các nước trong khu vực cần hành xử một cách kiềm chế, dựa trên nhận thức chung cũng như nhu cầu cùng nhau duy trì an ninh và ổn định trong khu vực về dài hạn.

Nguy hiểm rình rập

Theo tiến sỹ Tim Huxley, môi trường an ninh khu vực vốn đã rất phức tạp nay còn trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, rất nhiều thách thức đặt ra đối với các quốc gia nhằm đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực, trong đó thách thức lớn nhất hiện tại chính là làm sao đảm bảo được an ninh dựa trên luật lệ quốc tế tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Mặt khác, cũng có lý do để quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây tại bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tiến hành thử các loại tên lửa và có thể tiến hành thử hạt nhân trong thời gian tới.

Trong khi đó, một thách thức lớn khác cũng trở nên nổi cộm trong sáu tháng gần đây là việc các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng như các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương quan ngại các chính sách của chính quyền mới của Hoa Kỳ có thể sẽ tác động đến tình hình an ninh khu vực do chiến lược của họ đối với việc duy trì an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chưa thực sự rõ ràng.

Và trên hết, nguy cơ khủng bố, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, như cuộc tấn công khủng bố tại Indonesia hay tình trạng nguy hiểm tại miền Nam Philippines... cùng những vấn đề về nguy cơ an ninh mạng, tình hình ở Biển Đông đòi hỏi các quốc gia phải có những biện pháp giải quyết cụ thể.

Đây cũng chính là những vấn đề dự kiến sẽ làm "nóng" Đối thoại Shangri-La năm nay, khi mà các bộ trưởng cũng như các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ gần 30 quốc gia sẽ có cơ hội làm rõ và chia sẻ quan điểm về vấn đề an ninh khu vực cũng như về các thách thức đối với an ninh khu vực từ góc độ quốc gia của mình.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-ISEAS (Singapore) nhấn mạnh rằng những điểm nóng ở bán đảo Triều Tiên hay Đài Loan, Biển Đông vẫn tiếp tục là những mối quan ngại và có thể phát triển thành những xung đột tiềm tàng trong tương lai. Điều này đặt ra một thử thách rất lớn, đặc biệt là đối với những các quốc gia chủ đạo trong khu vực như Mỹ và Trung Quốc là làm sao có thể phối hợp được cũng như vai trò của các tổ chức trong khu vực như ASEAN làm sao có thể kiểm soát, kiềm chế được những điểm nóng này để nó không phát triển thành những cuộc xung đột thực thụ.

Trách nhiệm nước lớn và "tiếng nói" đa phương

Nhìn nhận về vai trò của Mỹ ở khu vực, nhà nghiên cứu Malcolm Cook thuộc ISEAS cho rằng một trong những câu hỏi lớn nhất mà Đối thoại Shangri-La có thể giải thích là chính sách của chính quyền Trump đối với châu Á, khu vực Đông Nam Á hay khu vực Biển Đông.

"Do vậy, câu hỏi lớn nhất cho an toàn, an ninh khu vực hiện nay là chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là gì và sẽ ảnh hưởng thế nào đối với khu vực Đông Nam Á," ông Malcolm Cook nói.

Tại diễn đàn lần này, sự quan tâm sẽ đổ dồn vào những tuyên bố thể hiện quan điểm, lập trường chính sách của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump do đây là đối thoại Shangri-La đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, trong bối cảnh các chính sách về khu vực của ông cũng như chính quyền mới chưa thực sự rõ ràng.

doi thoai shangri la duy tri an ninh khu vuc dua tren luat le quoc te

Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Nguồn: Getty Images)

Các chuyên gia nhận định đối thoại sẽ là cơ hội tốt để các nước tìm hiểu rõ hơn ý định cũng như chính sách của ông Trump và bản thân đại diện của Mỹ cũng tận dụng cơ hội này để trình bày một cách rõ ràng hơn chiến lược của họ đối với khu vực, hóa giải những quan ngại của khu vực đối với chính quyền của Trump cũng như chính sách của ông đối với khu vực này.

Theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp - thành viên của IISS, kiến trúc an ninh khu vực mặc dù đang bị tác động bởi hai quá trình Trung Quốc "đi lên, nhìn ra ngoài" và Mỹ "đi xuống, nhìn về Mỹ" song chưa bị thay đổi.

Ông Hợp phân tích các đồng minh của Mỹ không hề "đi xuống," họ đang ngày càng mạnh để sớm có thể bù đắp vào những chỗ không trọng yếu mà Mỹ không còn cáng đáng nữa. Và tại Đối thoại Shangri-La, Mỹ sẽ công bố mạnh mẽ và rõ hơn chính sách và thực hành của Mỹ ở Biển Đông không khác nhiều so với chính sách tái cân bằng dưới thời Obama, vì nó dựa trên cùng một nền tảng và tiếp cận: thượng tôn pháp quyền quốc tế.

"Song từ một góc độ nào đó, chính sách này mạnh hơn chính sách tái cân bằng ở chỗ nó chỉ dựa duy nhất trên nền pháp quyền quốc tế, mà không dựa trên các yếu tố "ứng xử nhằm giữ nguyên trạng." Giữ nguyên trạng là một yêu cầu đôi khi làm cho nguyên tắc thượng tôn pháp quyền quốc tế bị thỏa hiệp. Một hai nước đã làm thay đổi hiện trạng để làm suy yếu nguyên tắc thượng tôn pháp quyền, họ sẽ vấp phải sự phản ứng chung của các nước theo nguyên tắc này, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Việt Nam...," ông Hợp chia sẻ.

Có thể thấy, các nước lớn đóng vai trò then chốt đối với tình hình an ninh khu vực bởi họ có tầm ảnh hưởng và các hành động hay chính sách của họ có tác động lan tỏa khắp khu vực. Chính vì vậy, mỗi bước đi của họ có thể gây ra những tác động không lường trước được đối với các quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ... cần phải hành xử một cách có trách nhiệm hơn, thể hiện trên các khía cạnh như tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực về luật pháp quốc tế; có hành động hợp tác và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác và không được có hành động đơn phương, chỉ tính tới lợi ích của mình mà "làm ngơ" lợi ích của các nước khác, đặc biệt là các quốc gia vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, họ cũng cần phải có cơ chế đối thoại và hợp tác với nhau để quản lý những bất đồng giữa các cường quốc đó cũng như là giữa các cường quốc với các quốc gia nhỏ hơn... làm sao định hình được khuôn khổ để có sự tương tác với nhau.

Rõ ràng sự thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào trật tự dựa trên luật lệ, vào việc các nước trong khu vực thực hiện hành xử một cách kiềm chế, dựa trên nhận thức chung và nhu cầu cùng nhau duy trì an ninh và ổn định trong khu vực về dài hạn.

Tiến sỹ Tim Huxley dẫn chứng rằng không phải tất cả các nước trong khu vực đã có hành động ứng xử chứng tỏ họ thật sự tin vào một trật tự khu vực dựa trên luật lệ quốc tế, cụ thể là ở khu vực Biển Đông.

"Gần đây, Trung Quốc và ASEAN đang tiến tới một Thỏa thuận Khung nhằm đạt được sự kiềm chế trong hành vi ứng xử ở Biển Đông. Đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên cần phải xem xét thêm là ASEAN và Trung Quốc đưa ra những thỏa thuận nào và sử dụng cơ chế nào để thực hiện việc đó," tiến sỹ Tim Huxley nhìn nhận.

Theo tiến sỹ Tim Huxley, ASEAN có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, ông cho rằng trong những năm gần đây, ASEAN chưa thực sự đóng vai trò quyết định đối với an ninh khu vực do các thành viên thuộc khối ASEAN chưa có tiếng nói đồng thuận trong vấn đề này, ví dụ việc một số thành viên nhỏ hơn đôi khi có chủ trương cứng rắn hơn trong việc phản đối các hoạt động của Trung Quốc trong nửa thập kỷ qua ở khu vực Biển Đông.

Nhìn nhận một cách khái quát hơn, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho hay trong thời gian 50 năm vừa qua, ASEAN đã có những bước trưởng thành và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định, an ninh và hợp tác của khu vực. Có thể nói, ở ngưỡng 50 năm, ASEAN ngày càng chín muồi song cũng gặp phải một số thách thức, mà một trong số đó là sự căng thẳng ngày càng gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn.

"Thời gian qua, một số thành viên của ASEAN có xu hướng lựa chọn cách tiếp cận song phương, bỏ qua các dàn xếp của ASEAN để mà can dự với các quốc gia ở bên ngoài, ví dụ như giữa một số thành viên của ASEAN và Trung Quốc chẳng hạn... Điều này, theo tôi về lâu dài sẽ làm suy yếu vai trò của ASEAN với tư cách là một tập hợp giúp nâng cao vị thế của các nước trong khu vực. Do vậy, tôi cho rằng các nước trong khu vực ASEAN cần lưu ý làm sao vừa đảm bảo lợi ích quốc gia của mình nhưng cũng phải duy trì và nâng cao vai trò của toàn khối ASEAN," ông Hiệp thẳng thắn.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhận định Việt Nam là một nước có vai trò quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng về mọi mặt bao gồm tiềm năng kinh tế, vị trí chiến lược và truyền thống bảo vệ các lợi ích dân tộc thông qua cả sức mạnh quân sự lẫn các biện pháp ngoại giao. Vì vậy, Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm của mình đối với các đối tác an ninh thông qua đối thoại đa phương và song phương để góp phần duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 thu hút các bộ trưởng và quan chức cao cấp quốc phòng từ khoảng 30 nước tham dự; trong đó nhiều nước cử cấp Bộ trưởng Quốc phòng như Australia, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sẽ tham dự các phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La cũng như tiếp xúc song phương.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Thủ đô của Mỹ đang trải qua không khí bình lặng nhưng đầy căng thẳng với các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm phòng ngừa bạo loạn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Những ký ức từ cuộc bạo loạn tại toà nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 vẫn ám ảnh người dân, khiến nhiều cư dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. 
Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Khả năng tiên tri của bà Vanga vẫn chưa được giải mã, nhiều người tin rằng bà có khả năng nhìn thấu mọi sự kiện tương lai. Khả năng tiên đoán của bà Vanga đã trở thành chủ đề gây tò mò và tranh cãi, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ diễn ra hôm nay, với khoảng 170 triệu cử tri sẽ lựa chọn giữa ông Trump và bà Harris.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trên toàn quốc về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 được kênh truyền hình NBC News công bố ngày 3/11 cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đều nhận được 49% sự ủng hộ từ cử tri đã đăng ký.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.