Đông Nam Á đối mặt nạn cướp biển

Biển Sulu - Celebes đang bị xem là nơi nhiều rủi ro nhất trong thế giới hàng hải dù tên tuổi của nó ít khi được phương tiện truyền thông nhắc đến

Có thời gian, truyền thông thế giới tràn ngập tin tức về cướp biển và bắt cóc đòi tiền chuộc ở vùng biển ngoài khơi Somalia.

Đi ngược xu hướng

Vào thời kỳ “đỉnh cao” năm 2011, ít nhất 237 vụ cướp được ghi nhận tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Từ đó đến giờ, nạn cướp biển đã giảm đáng kể ở vùng biển ngoài khơi Sừng châu Phi bất chấp mới xảy ra vụ tấn công tàu chở dầu mang cờ của Comoros (một quốc gia ở Đông Phi) và một vụ khác hồi quý III năm ngoái.

Tại châu Á, có lý do để lạc quan nạn cướp biển sẽ giảm. Số vụ cướp biển, tính luôn những vụ cướp dầu và nhiên liệu, giảm hơn một nửa trong giai đoạn 2015-2016 nhờ các biện pháp của nhà chức trách địa phương lẫn các hãng tàu.

dong nam a doi mat nan cuop bien

Lực lượng tuần duyên Philippines hộ tống một tàu bị cướp biển tấn công ngoài khơi quần đảo Sulu hồi tháng 2 Ảnh: REUTERS

Dù vậy, một vùng biển ở Đông Nam Á đang bị xem là nơi nhiều rủi ro nhất trong thế giới hàng hải dù tên tuổi của nó ít khi được nhắc đến trên phương tiện truyền thông. Đó là biển Sulu - Celebes, bao gồm vùng biển quanh Indonesia, bang Sabah - Malaysia và Philippines.

Kể từ tháng 3-2016, theo đài BBC, vùng biển nêu trên chứng kiến một loạt vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Phần lớn vụ việc bị quy trách nhiệm cho nhóm Abu Sayyaf hoạt động ở miền Nam Philippines dù có một số vụ dường như do các băng nhóm tội phạm gây ra.

Điều đáng lo ngại là cách thức hoạt động của chúng ngày càng táo tợn. Trước đây, các vụ tấn công chủ yếu nhằm vào loại tàu di chuyển chậm, như tàu kéo sà lan chất đầy than từ Indonesia đến miền Nam Philippines và tàu đánh cá. Theo thời gian, bọn cướp biển hoặc tội phạm liều lĩnh nhắm đến cả các tàu lớn hơn trong khu vực. Chẳng hạn, một tàu chở hàng lớn treo cờ Hàn Quốc đã bị tấn công tại vùng biển phía Nam Philippines hồi tháng 10-2016.

Tuần tra chung

Các nước Indonesia, Malaysia và Philippines đã tiến hành nhiều cuộc họp cấp cao để bàn biện pháp đối phó. Hồi tháng 5-2016, ngoại trưởng 3 nước nhất trí về kế hoạch hành động gồm 4 điểm nhưng quá trình thực hiện chưa hiệu quả như mong đợi.

Trong số này, Indonesia là quốc gia tích cực đối phó, một phần vì nhiều nạn nhân bị bắt cóc đòi tiền chuộc là công dân của họ. Dù vậy, tiến triển chậm trong nỗ lực chung chống cướp biển khiến Jakarta không khỏi thất vọng dẫn đến lệnh cấm vận chuyển than sang Philippines cho đến khi Manila bảo đảm an toàn. Sau đó, 2 nước đạt được thỏa thuận, cho phép lực lượng Indonesia vào lãnh hải Philippines để truy bắt cướp biển. Hai bên còn đồng ý xem xét những biện pháp như tuần tra chung, lập một hành lang đi lại an toàn cho tàu qua biển Sulu - Celebes.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng tỏ thái độ thất vọng trước tiến độ hợp tác chống cướp biển giữa 3 nước. “Malaysia, Indonesia và Philippines cần thảo luận một lần cho xong để tìm ra giải pháp” - ông Duterte thúc giục trong bối cảnh cướp biển ít nhiều đang làm ảnh hưởng hoạt động giao thương tại khu vực. Một loạt vụ cướp mới đầu năm 2017, trong đó có vụ tấn công một tàu cá đăng ký tại bang Sabah - Malaysia, cho thấy tính khẩn cấp của vấn đề.

Rốt cuộc, đến tháng 3 này, Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đồng ý bắt đầu tuần tra chung tại hành lang an toàn được đề xuất nêu trên - một động thái có thể giúp các chủ hãng tàu thở phào nhẹ nhõm. Ngoài ra, Philippines còn đề nghị Trung Quốc và Mỹ hỗ trợ an ninh hàng hải tại vùng biển quốc tế ở khu vực này.

Tuy nhiên, ông Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định để cuộc chiến chống cướp biển được hiệu quả, cả 3 quốc gia Đông Nam Á nêu trên cần duy trì cam kết và gạt sang một bên những nỗi lo chính trị, như khúc mắc giữa Kuala Lumpur và Manila về vấn đề chủ quyền bang Sabah.

Theo PLO

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.