Sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố bị sạt lở nghiêm trọng nhiều năm nay.
Những hàng tre hộ đê chênh vênh trên miệng vực
“Mục sở thị” sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua địa bàn xã Gia Phố, chúng tôi mới cảm nhận hết sức tàn phá của thiên nhiên.
Dọc tuyến đê hữu – bên lở, đoạn từ cầu Gia Phố đến tuyến kè cũ thôn Đông Hải, dòng nước chảy theo hướng đâm thẳng vào bờ khiến đất đai bị sạt lở nghiêm trọng, lòng sông hung dữ “ngoạm” vào đất liền, cuốn trôi biết bao đất sản xuất, đe dọa công trình nhà ở của hàng trăm hộ dân.
Nhiều đọa nước xói sâu vào bờ, nuốt trôi đất sản xuất của bà con nông dân.
Chỉ tay ra phía lòng sông, ông Trần Hồng (70 tuổi, thôn Đông Thịnh) tiếc nuối: Bờ sông trước đây nằm ở phía ngoài kia, trong này là đất sản xuất của bà con. Thế nhưng, mỗi năm một ít, năm sau nhiều hơn năm trước, lòng sông đã nuốt đi hàng nghìn mét đất sản xuất, vườn tược của người dân ven bờ. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, những ngôi nhà gần bờ chắc cũng không còn đứng vững được bao lâu. Chúng tôi lo lắng lắm”.
Cũng chính vì hiện tượng xâm lấn này, chính quyền địa phương xã Gia Phố đã phải lên phương án di dời 10 hộ dân thôn Đông Hải bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi ở mới.
Ông Trần Hồng (thôn Đông Thịnh) lo lắng trước thực trạng xâm lấn của sông Ngàn Sâu.
Dọc theo khúc sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã Gia Phố, có những đoạn, sông đã ăn sâu vào đất liền hơn 30m, làm mất hàng ha đất sản xuất, đe dọa công trình dân sinh. Nhiều đoạn lòng sông uốn cong, dòng chảy đào sâu vào vào bờ tạo thành vách đứng, hàm ếch, những hàng tre hộ đê đứng chênh vênh trên miệng vực.
Đặc biệt, tại chân cầu Gia Phố (thôn Thượng Hải), đất bị sạt lở thành một lưu vực ăn sâu vào chân cầu, gây nguy cơ chân cầu bị cuốn trôi.
Nhiều bụi tre hộ đê bị nước xói chân, sẵn sáng đổ sụp xuống lòng sông bất cứ lúc nào.
Ông Trần Văn Cường (thôn Thượng Hải) cho biết: Trước đây, khu vực này có hàng tre được trồng để hộ đê. Tuy nhiên, do không được phòng chống ở tầng sâu, dòng nước đào lọng phía dưới nên nhiều hàng cây đã và đang đổ sập xuống lòng sông. Trồng cây chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có làm kè bê tông mới đảm bảo bền vững”.
Theo ông Trần Văn Cường (thôn Thượng Hải), trước đây đoạn bờ sông này có hàng cây hộ đê, nay đã bị “xóa sổ”.
Cần 1 tuyến kè kiên cố, bền vững
Năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình kè chống sạt, lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Gia Phố với tổng mức đầu tư 47,139 tỷ đồng.
Theo quy mô thiết kế, tuyến kè bờ hữu dài hơn 1.316m, tuyến bờ tả dài 234,6m và các công trình trên tuyến.
Dự án tuyến bờ kè đi qua địa bàn 4 thôn: Đông Thịnh, Thượng Hải, Trung Hải, Nhân Phố của xã Phú Gia với 210 hộ dân hưởng lợi, trong đó có 71 hộ ảnh hưởng trực tiếp.
Niềm mong bấy lâu của người dân Hương Khê có cơ hội thành hiện thực.
Tuyên kè kiên cố, bảo vệ đất đai, nhà cửa, công trình cũng là mong ước của đông đảo bà con giáo dân xứ Thịnh Lạc (xã Gia Phố)
Đầu năm 2020, UBND huyện Hương Khê bắt tay lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị triển khai dự án. Theo đó, Hội đồng đền bù, GPMB huyện Hương Khê đã tiến hành kiểm kê khối lượng đất đai, tài sản của các hộ bị ảnh hưởng.
Có 65/71 hộ dân và tổ chức đã nhất trí ký vào biên bản, còn 6 hộ chưa kịp kiểm kê.
Mọi người bắt tay hoan hỉ, ai cũng mong công trình sớm được triển khai. Thế nhưng, khi mọi chuyện đang “xuôi chèo mát mái” thì chính quyền huyện Hương Khê nhận được đơn thư phản ánh của một số hộ dân, cho rằng, việc xây dựng kè là không cần thiết, sẽ gây khó khăn cho người dân ven bờ.
Vậy là, dự án phải tạm dừng, các cấp chính quyền lại phải tốn biết bao công sức để xử lý khiếu nại của một bộ phận người dân. Những hộ dân sống dọc theo tuyến sông này lại ngày đêm thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa lũ năm nay dự báo sẽ “dữ dằn” hơn.
Tuyến kè cũng trên sông Ngàn Sâu này được thi công năm 2012 đã và đang phát huy hiệu quả
Nhà ngay đoạn tiếp nối giữa tuyến kè đã được xây dựng trước đây và tuyến bờ sông chuẩn bị triển khai làm kè, ông Phạm Ái - Trưởng thôn Đông Thịnh có lẽ là người cảm nhận rõ nhất hiệu quả của một tuyến kè sông kiên cố.
Theo ông, thời điểm huyện làm tuyến bờ kè này (năm 2012), nhiều người nghĩ rằng sẽ mất đất sản xuất. Thế nhưng, sau khi tuyến kè hoàn thành, đất không mất mà lại bồi lắng thêm, mỗi năm dày thêm khoảng 0,5 – 0,6 m trên kè. Đến nay, người dân có thêm hàng ha đất sản xuất. Cũng vì lẽ đó, 10 hộ gia đình nằm trong kế hoạch phải di dời trước đây nay vẫn tiếp tục canh tác, sản xuất, không phải tái định cư.
Theo ông Phạm Ái, gần 180 hộ dân thôn Đông Thịnh đang ngày đêm mong mỏi dự án kè bờ sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn sớm được triển khai.
“Tôi không hiểu tại sao có người lại cản trở việc triển khai làm kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, chẳng lẽ họ không hiểu được những tổn hại của sông lấn, nhất là về mùa mưa lũ. Tôi và bà con trong thôn đều đồng tình, nhất trí và mong mỏi tuyến kè này sớm được triển khai” – ông Phạm Ái nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: Công trình này quá cấp thiết, đặc biệt là trong mùa mưa lũ sắp tới. Tuy nhiên, khi huyện Hương Khê triển khai đền bù, GPMB, có 2 hộ bị ảnh hưởng chưa đồng tình, có đơn thư phản ánh. Trước tình hình đó, UBND huyện đã thành lập tổ công tác, phối hợp với các sở, ngành và các bên liên quan xác minh, làm rõ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê mong muốn sự đồng thuận của bà con nhân dân xã Gia Phố để dự án kè sông Ngàn Sâu sớm được triển khai thi công.
“Đến thời điểm hiện nay, cơ bản 69/71 hộ đồng tình và đề nghị sớm triển khai dự án; 2 hộ còn lại, chúng tôi tiếp tục vận động để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn thể Nhân dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành công tác đền bù, GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công sớm triển khai, cố gắng hoàn thành công trình trước mùa mưa bão năm nay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói thêm.