Tình trạng sạt lở xảy ra trên cả 5 thôn thuộc xã Xuân Lam với chiều dài khoảng 3 km.
Sông Lam chảy qua địa phận xã Xuân Lam có chiều dài khoảng 3 km thì gần như toàn bộ bờ sông này đều có hiện tượng sạt lở. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến mùa lũ lụt, từng tảng đất màu mỡ theo từng con sóng đổ sập xuống sông rồi chìm nghỉm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân thôn 1, xã Xuân Lam kể lại: “Khoảng 10 năm trở lại đây, bờ sông Lam chảy qua xã Xuân Lam sạt lở nghiêm trọng. Trước đây, lòng sông rộng chỉ bằng một nửa hiện tại, nghĩa là đến nay, sông đã lấn đất nông nghiệp của xã từ 40 - 50 mét theo chiều ngang.
Đến mùa lũ là đất lở ào ào. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất nông nghiệp của người dân. Chúng tôi mong các cấp quan tâm, sớm có giải pháp kiên cố đê bờ sông để người dân yên tâm sản xuất”.
Mỗi năm, xã Xuân Lam bị sông Lam nuốt chửng 1 - 2 ha đất nông nghiệp.
Tương tự, ở thôn 3, xã Xuân Lam, bà Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ lo lắng: “Diện tích đất càng ngày càng bị thu hẹp, dân số thì tăng, nên sau này, đời con cháu chúng tôi sẽ khó sống nổi bằng nông nghiệp. Hiện tại, diện tích đất nông nghiệp ven sông Lam của người dân thôn 3 đã bị sạt lở nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Bờ sông nay chỉ cách đất ruộng lúa một quãng ngắn, nếu tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra thì gia đình tôi có nguy cơ cao là mất đất sản xuất.”
Theo ông Trần Thanh Duẩn (thôn 3, xã Xuân Lam) và một số người dân địa phương khác thì tình trạng sạt lở bờ sông Lam thời gian gần đây trở nên nghiêm trọng một phần do thiên tai, lũ lụt, một phần khác là do trước đây, nhiều đơn vị, tàu thuyền khai thác cát trên sông khiến dòng chảy bị thay đổi.
Theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân lũ lụt, tình trạng sạt lở còn do việc khai thác cát lậu trước đây.
Nói về tình trạng sạt lở trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam Phạm Xuân Đại cho biết, hàng năm, do tác động của thiên tai, thời tiết nên trên địa bàn xã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ven bờ sông Lam. Có những vị trí sạt lở sâu từ 5 đến 10 mét/năm. Tính trung bình, mỗi năm toàn xã bị sạt lở từ 1 – 2 ha đất nên người dân ngày càng thiếu đất sản xuất nông nghiệp.
Qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, người dân các thôn đã nhiều lần kiến nghị sớm có các giải pháp kè chắn bờ sông Lam để hạn chế tình trạng sạt lở. Song, nguồn lực có hạn, cấp xã hiện chưa có kinh phí để xây dựng. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên các cấp về tình trạng sạt lở trên địa bàn. Mong rằng, Xuân Lam sẽ sớm được bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng đê kè ven sông nhằm hạn chế sạt lở vào bảo vệ hoa màu cho người dân sản xuất vào mùa mưa lũ – ông Đại cho biết thêm.