Dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Trí đoạn qua thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu thi công dang dở ngay trong mùa mưa lũ
Sau nhiều năm sống chung với triều cường, ngập mặn trong mỗi mùa mưa lũ, cuối năm 2018, gia đình chị Mai Thị Hoa cùng các hộ dân ở thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu vui mừng khi biết tin đoạn bờ sông Trí chạy dọc theo chiều dài của thôn với chiều dài 470m sẽ được xây dựng để bảo vệ an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa lũ 2019.
Gia đình Chị Hoa cùng gần 20 hộ dân có vườn nhà nằm dọc bờ sông đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để thi công công trình. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn, đến tháng 8/2019, công trình mới được triển khai và thời điểm này vẫn đang dang dở.
Cơn bão số 4 và các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua gây mưa lớn trên địa bàn không chỉ làm đình trệ việc thi công công trình mà đã làm ngập lụt sâu và phải di dời hàng chục ngôi nhà ở thôn Hiệu Châu, đặc biệt là các hộ dân nằm sát bờ sông Trí.
Hàng chục hộ dân thôn Hiệu Châu bị nước lũ từ sông Trí gây ngập trong cơn mưa lớn ngày 5/9
“Trước đây, mặc dù khi mưa lớn nước cũng tràn vào vườn, vào nhà nhưng dù sao cũng còn có cả lũy tre dày che chắn bớt nên nước vào chậm và cường độ nhẹ hơn. Bây giờ bờ rào tre, cây cối đã bị cào bằng để làm kè, nước sông tràn vào nhà rất nhanh” - chị Mai Thị Hoa bày tỏ.
Sông Trí chảy qua các địa bàn của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh gồm: xã Kỳ Hoa, Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Ninh và phường Sông Trí. Đến nay, tất cả các điểm xung yếu tại tuyến sông này đã được xây dựng kè chống sạt lở kiên cố, ngoại trừ đoạn bờ tả dọc theo thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu (một trong những đoạn xung yếu nhất) có chiều dài 470 m.
Chính quyền xã Kỳ Châu huy động các lực lượng đến dọn dẹp, di dời người và tài sản các hộ dân trong vùng ngập lụt sơ tán lên nơi an toàn trong cơn bão số 4
Là địa phương thấp trũng cạnh bờ sông Trí, không có kè chống ngập, mỗi khi có mưa lũ, thôn Hiệu Châu với 180 hộ, 622 nhân khẩu, đặc biệt 17 hộ trực tiếp cạnh bờ sông luôn bị ảnh hưởng nặng nề do ngập sâu trong nước mặn.
Cơn bão số 10 năm 2017 đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường và trên 100 nhà dân; 22 ha lúa hè thu bị mất trắng; 6 vườn mẫu và hàng chục vườn hộ bị hư hại…
Không có mấy khi mùa mưa lũ mà thôn Hiệu Châu không phải sơ tán dân đến nơi an toàn.
Triển khai trong mùa mưa lũ, công trình luôn phải ngừng thi công do ngập nước
"Cũng chính vì đoạn sông này mà hàng năm chính quyền cũng như người dân toàn xã phải tập trung nhiều công sức, tiền của để phòng chống và giải quyết hậu quả ngập mặn, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xây dựng NTM của địa phương.
Với sự cấp thiết cần có tuyến kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân, xã đã nhiều lần đề xuất huyện và tỉnh xin chấp thuận đầu tư, bố trí vốn triển khai thi công. Tuy nhiên, sau nhiều lần các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện đến khảo sát thực địa, cuối cùng, UBND xã Kỳ Châu lại được giao làm chủ đầu tư và tự cân đối nguồn để thi công" - Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu Phạm Lương Thịnh cho biết.
Với tổng vốn dự toán 15 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND xã Kỳ Châu sẽ rất khó khăn để hoàn thành công trình theo kế hoạch
Với tổng vốn dự toán 15 tỷ đồng, trong đó vốn xây lắp 12 tỷ đồng, Dự án công trình kè chống sạt lở bờ tả sông Trí (đoạn qua thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu) do UBND xã Kỳ Châu làm chủ đầu tư được khởi công vào đầu tháng 8/2019.
Sau hơn 1 tháng triển khai, đến thời điểm này, công trình chỉ mới đạt 30% khối lượng. Trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay, việc hoàn thành công trình đảm bảo tiến độ là điều không thể. Trong mùa mưa lũ này, khi vành đai hàng rào cây cối đã bị san phẳng làm mặt bằng thân kè thì nguy cơ ngập lụt sẽ cao hơn bao giờ hết.
Chủ tịch UBND xã Phạm Lương Thịnh cho biết: Do tính đặc biệt cấp thiết nên không còn cách nào khác, xã phải đứng ra làm chủ đầu tư và tự bố trí kinh phí để xây dựng tuyến kè này. 15 tỷ đồng là số kinh phí quá sức đối với địa phương; nếu như không có nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện thì xã khó có thể đảm đương được khối lượng công việc này.
Mặc dù rất cấp thiết, nhưng Dự án công trình kè chống sạt lở bờ tả sông Trí (đoạn qua thôn Hiệu Châu) chưa nhận được sự thống nhất cao của người dân khi UBND xã bỏ vốn đầu tư
“Chưa kể, để có được một phần vốn ban đầu, xã đã phải dốc hết nguồn ngân sách thu được từ bán đất và một số nguồn khác. Trong khi các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp mong mỏi từng ngày có hệ thống kè chống ngập, thì phần lớn các hộ dân khác lại không muốn xã tự bỏ kinh phí (đúng ra dành để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn) để xây kè.
Ý của bà con là đồng tình, ủng hộ việc làm kè nhưng phải được đầu tư từ nguồn vốn của trung ương hoặc của tỉnh, huyện”.