“Đút túi” 700 triệu đồng/năm từ vườn đồi – ao – chuồng
Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực của trang trại lão nông Đường Công Ngụ.
Năm 2000, gia đình ông Đường Công Ngụ (thôn Bồng Sơn – xã Thường Nga) mạnh dạn vào vùng đồi núi để khai hoang sản xuất. 19 năm trôi qua là hành trình dài lao động miệt mài cùng nguồn đầu tư hàng tỷ đồng mà gia đình để núi đồi hoang vu ngày nào giờ đã cho hoa, cho quả.
Mô hình kinh tế của ông Ngụ được quy hoạch bài bản, phát huy giá trị cao.
Ông Ngụ nhớ lại: “Ngoài của cải thì không biết bao nhiêu công sức đã đổ xuống vùng đồi núi này. Với khát khao làm giàu từ thế mạnh đất đai, trong quá trình khai khẩn, tôi luôn quan tâm tới việc quy hoạch. Vấn đề quy hoạch càng được đầu tư bài bản hơn khi chương trình xây dựng nông thôn được triển khai tại Hà Tĩnh. Tôi đã bố trí vườn đồi – ao – chuồng không chỉ phù hợp với địa hình mà còn tạo sự tiện ích, thân thiện trên cơ sở hài hòa môi trường sinh thái”.
3 chuồng nuôi quy mô 300 con gà đẻ trứng và 5.000 con gà thịt gối vụ nhau.
Vườn đồi – ao – chuồng rộng 3,5 ha mà gia đình ông Ngụ “vẽ” ra không chỉ tạo ấn tượng về sự quy hoạch bài bản mà còn phát huy giá trị kinh tế cao. Giờ đây, 400 gốc cam Thượng Lộc và bưởi Phúc Trạch đã cho thu hoạch trên 7 tấn quả/mùa; 600 gốc ổi Đài Loan và 1.200 cây thanh long nhập về từ Trường Đại học Nông nghiệp đã phát triển tốt nhờ kỹ thuật chăm sóc tỉ mẩn, khoa học. Ngoài ra, 3.000 cây lâm nghiệp như: sáo đen, dổi, xà cừ, đinh hương… cũng sinh trưởng phù hợp với thế mạnh đất đai miền núi.
Ngoài nuôi cá, ông Ngụ thả 3.000 con vịt đẻ và 300 con ngan, góp phần mang về nguồn thu khá.
Xác định chăn nuôi là hướng mũi nhọn, gia đình ông Ngụ xây 3 chuồng nuôi quy mô 300 con gà đẻ trứng và 5.000 con gà thịt gối vụ nhau. 1.000 con bồ câu cũng thay nhau xuất chuồng nhiều lứa.
Tận dụng triệt để không gian thấp trũng, ông Ngụ thuê máy móc đào 5 hồ, tổng diện tích mặt nước khoảng 3.500 m2. Dưới nuôi cá, trên ông thả 3.000 con vịt đẻ và 300 con ngan, góp phần mang về nguồn thu khá.
Với sự nỗ lực, sáng tạo trong phương án sản xuất, kinh doanh và khả năng tìm kiếm thị trường, mỗi năm gia đình lão nông thu về khoảng 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.
Hợp tác xã kiểu mới và hành trình phát triển theo chiều sâu
HTX Đường Gia Trang đang đào thêm hồ nuôi cá.
Mơ ước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương không cho phép ông Ngụ dừng lại ở quy mô gia trại. Điều ông muốn là sự đầu tư theo chiều sâu và sự phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa, có như vậy mới mong lợi nhuận cao.
Xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn, ông đã tập hợp thêm 6 thành viên, góp vốn gần 1 tỷ đồng để thành lập HTX Đường Gia Trang vào tháng 5/2019.
Với "kịch bản" sản xuất kinh doanh khoa học, mạnh dạn trong đầu tư tài chính, HTX đang tiếp tục hành trình xây dựng nông nghiệp thông minh gắn với biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái.
Ngoài mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa, HTX đã chủ động quảng bá sản phẩm, liên hệ thị trường để phát triển bạn hàng bền vững.
1.200 cây thanh long phát triển tốt nhờ kỹ thuật chăm sóc tỉ mẩn, khoa học
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết: Khác với nhiều HTX nông nghiệp ra đời để chạy theo chỉ tiêu nông thôn mới, Đường Gia Trang là mô hình HTX kiểu mới xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Họ thành lập HTX những mong phát triển về nguồn lực, hội tụ khoa học kỹ thuật để cho ra đời chuỗi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Về phần mình, Liên minh HTX đã khảo sát, đánh giá tiềm lực và sẽ có sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, tư vấn tổ chức, hoạt động để HTX phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế.