Dự kiến điểm chuẩn đại học tăng, 9 điểm/môn vẫn có thể trượt

Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Đại học Ngoại thương ngành cao nhất là 18 điểm cho hai môn. Điểm chuẩn dự báo ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội lên đến 28,5 điểm cho ba môn.

Dự kiến điểm chuẩn đại học tăng, 9 điểm/môn vẫn có thể trượt

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo dự kiến của các chuyên gia, điểm chuẩn xét tuyển đại học theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 sẽ tăng mạnh so với năm 2019.

Chót vót điểm sàn

Hiện các trường đại học đã đồng loạt công bố điểm sàn xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, trong đó nhiều trường tốp đầu có mức điểm sàn cao ngất ngưởng.

Tại Đại học Ngoại thương, mức điểm sàn cao nhất gần chạm “đỉnh”, trung bình 9 điểm mỗi môn. Cụ thể, theo công bố của trường, với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại, phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông là tổng điểm hai bài thi (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 18 điểm trở lên, trung bình 9 điểm/môn. Đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và định hướng nghề nghiệp quốc tế còn lại (không bao gồm các chương trình chất lượng cao ngành ngôn ngữ), mức nhận hồ sơ là từ 17 điểm trở lên. Điểm sàn của chương trình Ngôn ngữ thương mại là 16,5 điểm, chỉ xét tổ hợp hai môn Toán-Văn.

Với phương thức xét tuyển hoàn toàn trên điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho tất cả các tổ hợp của tất cả các ngành đào tạo tại hai cơ sở ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 23 điểm (tăng 2,5 điểm so với mức sàn 20,5 điểm của năm 2019), với cơ sở đào tạo ở Quảng Ninh là 18 điểm (tăng một điểm so với 2019).

Đại học Kinh tế quốc dân cũng công bố ngưỡng điểm đầu vào cho tổ hợp xét tuyển ba môn theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay là 20 điểm, tăng hai điểm so với ngưỡng 18 điểm của năm 2019.

Không chỉ các trường tốp đầu, ở các trường nhóm giữa, điểm sàn năm nay cũng tăng mạnh so với năm ngoái. Đại học Giao thông vận tải công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ từ 16 điểm đến 20 điểm tùy ngành, trong khi năm 2019, trường có tới 14 ngành có mức điểm trúng tuyển dưới 15 điểm.

Dự kiến điểm chuẩn đại học tăng, 9 điểm/môn vẫn có thể trượt

Cán bộ Đại học Thủy lợi xử lý hồ sơ xét tuyển đại học vào trường năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm chuẩn sẽ tăng mạnh

Điểm sàn chỉ là ngưỡng để các trường nhận hồ sơ trúng tuyển. Vì thế, mức điểm chuẩn thường sẽ cao hơn điểm sàn, mức chênh lệch tùy vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển của thí sinh.

Theo lãnh đạo các trường đại học, điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ tăng mạnh so với năm 2019 do tính chất kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông thay đổi, dẫn đến điểm thi tăng lên. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có mục đích để xét tốt nghiệp, không giống như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia các năm trước có hai mục đích là xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp. Vì thế, đề thi được giảm độ khó để phù hợp với mục đích mới của kỳ thi.

Bên cạnh đó, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến học sinh phải nghỉ học ba tháng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tinh giản chương trình, phạm vi kiến thức trong đề thi vì thế cũng thu hẹp. Đề thi vừa sức với mức phân bổ 70% câu hỏi dễ, 30% câu hỏi phân hóa nhưng số câu hỏi khó không nhiều là nhận định của đa số học sinh và giáo viên về đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay. Điểm thi theo đó cũng cao hơn so với năm 2019.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương , chỉ tính riêng tổ hợp Toán-Lý-Hóa, số lượng thí sinh đạt ngưỡng điểm 23 điểm của năm 2019 chỉ khoảng 20.000 thí sinh, trong khi số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 24 điểm trở lên của năm 2020 là 29.000 em. “Từ phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển có thể thấy ngưỡng điểm chuẩn vào Trường Đại học Ngoại thương sẽ cao hơn năm 2019,” bà Hương chia sẻ.

Theo thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghệ thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi điểm thi năm nay cao hơn năm 2019 thì số chỉ tiêu xét tuyển của nhiều trường dựa vào điểm kỳ thi này năm nay lại giảm, càng đẩy điểm chuẩn lên cao hơn. “Mức điểm chuẩn sẽ tăng từ một đến 5 điểm so với 2019, tùy từng trường và từng ngành,” ông Sơn nhận định.

Điều này được thể hiện rõ trong mức điểm chuẩn dự báo của Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được trường công bố. Dự kiến, mức điểm chuẩn dự báo của tất cả các ngành học đều tăng từ một đến ba điểm; trong đó ngành có điểm chuẩn dự báo cao nhất là Kỹ thuật Điều khiển-Tự động hóa với điểm chuẩn dự báo ở mức 27,5 đến 28,5 điểm.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ ngày 19/9 đến 27/9, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. “Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc mức điểm của mình trên tương quan phổ điểm thi và điểm chuẩn của các trường các năm trước để có quyết định phù hợp,” ông Sơn nói./.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.