Những tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vục sản xuất - kinh doanh; các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như: nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng chú trọng tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 2/2022 ước đạt 74.237 tỷ đồng, tăng khoảng 3,43% so đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt chiếm khoảng 68,11% tổng dư nợ; dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng 31,89% tổng dư nợ.
Về chất lượng tín dụng, nhìn chung, các ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn nằm ở mức cho phép, chiếm khoảng 0,76%/tổng dư nợ.
Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh ưu tiên cấp vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh sẽ quán triệt các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ, tiếp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất - kinh doanh tốt...
Được biết, năm 2022 này, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 15 - 17% so với cuối năm 2021; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới mức 2%.