Dùng thương hiệu 'Tân Hoàng Minh' bán trái phiếu để huy động tiền

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đồng ý cho triển khai thực hiện lựa chọn các công ty thuộc Tập đoàn phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo... mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, sau đó dùng thương hiệu Tân Hoàng Minh để bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư để huy động tiền. 

Tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và đồng phạm diễn ra chiều 19/3, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội tiến hành thẩm vấn bị cáo Đỗ Anh Dũng để làm rõ những nội dung liên quan đến vụ án.

Cáo trạng xác định, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn này.

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng thừa nhận, bị cáo là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu. Bị cáo Dũng đã giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa chiều 19/3.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng đã đồng ý, phê duyệt cho triển khai thực hiện lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Tập đoàn Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư…, qua đó huy động tiền của người mua trái phiếu.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh sử dụng số tiền thu được từ bán trái phiếu vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với phương án phát hành trái phiếu, từ đó chiếm đoạt của hơn 6.600 bị hại tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng thông qua việc phát hành 9 gói trái phiếu.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày, thời điểm năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cần nhiều vốn và nguồn vốn vay từ ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vốn của Tập đoàn. Vì thế, việc huy động trái phiếu cũng trở thành nguồn huy động vốn hiệu quả của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Khi đó vốn của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vay ngân hàng chiếm khoảng 14% đến 15%, vốn từ phát hành trái phiếu chiếm khoảng 11% đến 12%. “Khi giao việc cho con trai là Đỗ Hoàng Việt phát hành trái phiếu là chủ trương chung của Tập đoàn, bị cáo không nắm được các chi tiết xem việc phát hành trái phiếu đó có phải là phương án tạo dựng, hợp thức hóa hay không”, bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày.

Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Việc các phương án phát hành trái phiếu đều là tạo dựng dòng tiền ảo có phải là sai phạm không?”, bị cáo Đỗ Anh Dũng đáp: “Bị cáo nghĩ là có. Và nếu nói về trách nhiệm thì bị cáo là người điều hành cao nhất Tập đoàn Tân Hoàng Minh nên phải có trách nhiệm đối với những sai phạm ở Tập đoàn. Bị cáo tôn trọng bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND tối cao”, bị cáo Đỗ Anh Dũng thẳng thắn.

Trả lời Hội đồng xét xử về tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu chi dùng như thế nào, bị cáo Đỗ Anh Dũng khai, không nắm được chi tiết, nhưng đa phần số tiền đó đều được sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày thêm, ngay từ khi phát hành trái phiếu, bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, mà chỉ muốn huy động tiền để kinh doanh, đầu tư và thanh toán các khoản nợ.

“Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bị cáo được gặp gia đình hai lần và đều tích cực nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Trong hơn một năm bị bắt tạm giam, bị cáo đã tìm mọi cách và đến nay đã khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỷ đồng. Số tiền đó đủ để trả cho các bị hại”, bị cáo Đỗ Anh Tuấn kết thúc phần trình bày.

cand.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói