Đường dây 500kV mạch 3 là kinh nghiệm điển hình của dự án trọng điểm

(Baohatinh.vn) - Dự án đường dây 500kV mạch 3 được Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương và lấy làm kinh nghiệm điển hình trong việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm của quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đầu tư xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh Dương Giang/TTXVN

Sáng 8/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đầu tư xây dựng các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Phó Giám đốc Sở Công thương Dương Thanh Hòa điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Phó Giám đốc Sở Công thương Dương Thanh Hòa điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư; có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, 513 khoảng néo; đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ của Thủ tướng Chính phủ giao, EVN/EVNNPT, các BQL dự án đã phối hợp với các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực vượt mọi khó khăn; tổ chức sản xuất, thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua bão gió”, “xuyên lễ/tết/ngày nghỉ”.

Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Với sự nỗ lực của EVN/EVNNPT, các nhà thầu và các lực lượng hỗ trợ, sau hơn 6 tháng thi công, các dự án đã được hoàn thành. Trong đó, đã hoàn thành khối lượng đào đất, đá 2,54 triệu m3; đổ bê tông 705 nghìn m3 các loại; gia công 69,8 nghìn tấn cốt thép móng; lắp dựng 1.177 cột thép với tổng trọng lượng 139 nghìn tấn; kéo rải căng dây 13.983 km dây các loại.

Đặc biệt, dự án được Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương và lấy làm kinh nghiệm điển hình trong việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, dự án được triển khai trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp; người dân đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để đưa dự án về đích đúng tiến độ. Đồng thời phân tích một số bài học kinh nghiệm góp phần triển khai thành công dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khẳng định, đây là dự án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của quốc gia và của từng địa phương.

Đây cũng là dự án có quy mô, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu tiến độ rất gấp. Dự án đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài 141,52km (dài nhất trong số các tỉnh có dự án đi qua), địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt; với 285 vị trí móng cột thuộc 9 huyện, thị xã, trong đó có 178 vị trí móng cột đi qua diện tích rừng và đất lâm nghiệp với diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng là 39,2ha.

Quá trình tham mưu thực hiện hồ sơ, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, Hà Tĩnh đã tuân thủ các quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan; thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà nhấn mạnh: Xác định là dự án trọng điểm quốc gia, tính chất cấp bách, vì vậy Hà Tĩnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng tham gia tích cực của Nhân dân nơi có dự án đi qua.

Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng với các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn ngay từ đầu để cùng kiểm tra hồ sơ, hiện trường; soát xét số liệu diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích trồng rừng thay thế và hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản; đảm bảo phù hợp giữa diện tích lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và yêu cầu thực tế của dự án. Qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhờ xác định được chính xác diện tích rừng cần chuyển đổi; hạn chế được việc điều chỉnh hồ sơ, số liệu chuyển đổi rừng trong quá trình triển khai thực hiện.

Với 178/285 vị trí móng cột đi qua, diện tích rừng và đất lâm nghiệp nên diện tích rừng cần chuyển đổi trên địa bàn tỉnh lớn, nhiều đối tượng. Đặc biệt có 19,2 ha rừng tự nhiên, 3,6 ha rừng trồng phòng hộ. Quá trình triển khai thực hiện, có những nội dung chưa được pháp luật quy định. Để xử lý những vướng mắc, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương, trực tiếp làm việc, giải trình, xin ý kiến hướng dẫn, thẩm định của Trung ương.

Sau khi có các nghị định mới của Chính phủ, Hà Tĩnh đã khẩn trương, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, áp dụng, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, góp phần thực hiện dự án theo đúng yêu cầu tiến độ đề ra.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, ngay từ đầu triển khai thực hiện dự án, phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; thực hiện tốt phương châm: Tuyên truyền liên tục, vận động đa chiều; tuyên truyền, vận động là trách nhiệm chung của các cấp, ngành thông qua kênh các cơ quan truyền thông, qua mạng xã hội và qua tuyên truyền miệng để tạo sự đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng, hưởng ứng sâu rộng trong Nhân dân.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng với các địa phương, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn ngay từ bước chuẩn bị đầu tư và trong quá trình triển khai thực hiện để cùng kiểm tra hồ sơ, hiện trường, soát xét, thẩm định; đảm bảo hạn chế việc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Trực tiếp, kịp thời tranh thủ ý kiến, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương là yếu tố quan trọng để các địa phương vững tin triển khai nhiệm vụ. Sự quan tâm thăm hỏi, động viên, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, quyết tâm hoàn thành dự án.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định thêm, dự án hoàn thành là cột mốc đánh dấu sự phát triển của đất nước. Thành công của dự án còn là minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận, đồng sức, đồng lòng của toàn dân. Cách làm của dự án này là tiền đề, kinh nghiệm để chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trọng điểm khác của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ cảm ơn sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và đặc biệt là Nhân dân vùng dự án, cán bộ, kỹ sư, công chức, viên chức, người lao động ngành điện đã vào cuộc; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao thành quả của dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh thêm về một số bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án. Theo đó, phải huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của hệ thống chính trị; thành công của dự án cũng có vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của Nhân dân. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp.

Cùng đó là sự kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, quy định. Đặc biệt là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá. Nhờ vậy, dự án không chỉ đảm bảo đúng tiến độ mà còn khẳng định được chất lượng, không đội giá, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện hai mục tiêu 100 năm (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và trở thành một nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao). Vì vậy, chúng ta phải phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng. Đây là thách thức lớn, rất khó, nhưng chúng ta phải làm, để thực hiện mục tiêu này, ngành điện phải có đột phá, phải có những công trình thế kỷ, có những dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và dứt khoát không để thiếu điện.

Thủ tướng gợi mở, thời gian tới phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới của ngành điện để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phát huy sức mạnh của ngành và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để đảm nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả; giá điện phải phù hợp với nền kinh tế, với thu nhập của người dân.

Đồng thời, phải phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp khác, huy động nguồn lực tài chính từ xã hội bằng cơ chế, chính sách để thực hiện. Kịp thời tháo gỡ về mặt thể chế, kịp thời báo cáo Chính phủ những khó khăn, vướng mắc.

“Với tinh thần Đảng chỉ đạo, Quốc hội ủng hộ, Nhân dân đồng tình, Tổ quốc mong đợi, vì vậy, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đảm bảo nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế hai con số, tăng trưởng điện gấp 1,5 lần” – Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành điện ứng dụng KHCN, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật để phát triển. Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, giá trị văn hóa, bản lĩnh kiên cường, hình ảnh người thợ điện đẹp đẽ trong lòng Nhân dân, doanh nghiệp. Chống tiêu cực, lãng phí. Làm tốt công tác chính sách trong nội bộ ngành; đảm bảo hài hòa, hợp lý với các ngành khác, vừa có đặc thù riêng của ngành điện.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói