Miền Bắc và Trung bộ đang trải qua đợt rét đậm, rét hại. Từ ngày 20/1, không khí lạnh tràn xuống, vùng núi cao có nơi rét 0 độ và xuất hiện băng giá, trung du thấp nhất dưới 7 độ, đồng bằng dưới 10 độ C. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đợt rét đậm, rét hại kéo dài đến 25/1.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết chuyển lạnh đột ngột do ảnh hưởng của El Nino . Đây là hiện tượng diễn ra trong các năm El Nino với xu hướng nhiệt độ nóng hơn bình thường. Năm 2024 được dự báo xu hướng nhiệt độ nóng hơn trung bình chung của nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5 - 2 độ C. Vào mùa đông, các năm El Nino xuất hiện các đợt lạnh đột ngột khi nhiệt độ xuống thấp, lạnh hơn cùng thời kỳ của trung bình chung các năm trước đó.
TS Huy nhận định, các đợt lạnh đột ngột này có tính chất bất thường, cục bộ, ngẫu nhiên xảy ra khi hình thành các lõi lạnh từ vùng Siberia (Nga) xuống phía Nam. Trong đợt lạnh này tuy cường độ mạnh, nhưng cấp độ gió yếu nên không khí lạnh ảnh hưởng miền Bắc và miền Trung, không khuyếch đại xuống phía Nam. Do đó, TP HCM và các tỉnh Nam Bộ duy trì thời tiết nắng ấm đến cận Tết Nguyên Đán. Theo ông, việc TP HCM trong năm qua chưa đón nhận đợt lạnh nào cũng do ảnh hưởng của hình thái đặc trưng của El Nino và Trái Đất ấm lên.
Các em nhỏ đốt sưởi trong đợt rét tháng 12/2023 ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Gia Chính
GS Adam Scaife của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho biết những năm El Nino có xu hướng bắt đầu với mùa đông ôn hòa và ẩm ướt (tháng 11 đến tháng 12). Sau đó vào cuối mùa đông (tháng 1 đến tháng 3), thời tiết sẽ trở nên lạnh hơn và khô hơn. “El Nino sẽ làm thay đổi xác suất ngẫu nhiên cho những kết quả này”, GS Scaife cho biết trên SMCP.
Theo WMO, một chu trình El Nino thường đi kèm với những giá trị cực đoan thuộc loại kỷ lục ở cả nhiệt độ cao nhất và nhiệt độ thấp nhất, kéo dài suốt năm, thậm chí là nhiều năm.
Thời tiết bất thường và cực đoan đang thể hiện rõ những đợt lạnh sâu vào mùa đông và mùa hè cũng nhiệt độ cũng khắc nghiệt hơn. Thống kê của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang gia tăng. Việt Nam chung xu hướng này, nhưng tốc độ tăng nhanh hơn 38%, theo số liệu về mức chênh nhiệt độ giai đoạn 2006-2015 so với 20 năm trước đó.
Dự án GEMMES Việt Nam đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, được thực hiện bởi hơn 60 nhà nghiên cứu đến từ hai quốc gia Việt Nam và Pháp trước đó cũng chỉ ra thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Nghiên cứu cảnh báo, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng cao, nhiệt độ tại Việt Nam có thể đạt tới 4,18±1,57°C.
Các nhà khoa học cảnh báo, mức nhiệt tăng cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, khiến nhiều khu vực đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên ngày một tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng.