FED giảm lãi suất tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam?

FED giảm lãi suất gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, khó khăn nhiều hơn.

Mới đây, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo giảm lãi suất cho vay lần thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với mức giảm 0,25%.

Quyết định hạ lãi suất cơ bản của FED đã tạo ảnh hưởng nhất định đến cục diện thế giới. Cụ thể, đồng USD đã lên giá so với đồng euro, yen, franc Thụy Sĩ và nhiều đồng tiền mạnh khác.

Đợt cắt giảm này đã khiến chỉ số của USD mạnh lên 0,3%. Trong khi đó, giá vàng giảm 0,3% còn 1.490,10 USD/ounce.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách giữa tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell bày tỏ lo ngại về các yếu tố bất ổn của tình hình kinh tế thế giới. Ông Jerome Powell nhận định, dưới tác động của thương chiến với Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu của Mỹ đã giảm trong những tháng qua và đầu tư doanh nghiệp tại Mỹ đã suy yếu kể từ sau cuộc họp tháng 7.

Việc cắt giảm lãi suất sẽ bảo vệ cho kinh tế Mỹ trước các nguy cơ đang diễn ra trong đó có sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và những căng thẳng mới liên quan đến chiến tranh thương mại.

FED giảm lãi suất tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam?

FED cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: KT)

Tại Việt Nam, với việc giảm lãi suất của FED , TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận động thái này ở 2 khía cạnh tích cực và ảnh hưởng.

Về mặt tích cực, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động bằng USD sẽ giảm hơn so với trước đây. Qua đó góp phần giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi đi huy động vốn nước ngoài, nhất là trái phiếu quốc tế. Ngoài ra, việc giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD bị yếu đi một chút, như vậy sẽ bớt đi áp lực tỷ giá đối với VND, ông Lực phân tích.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, với thị trường chứng khoán, trong bối cảnh FED có những hành xử với chính sách, quyết sách như vậy thì cũng một phần tác động tích cực tới thị trường này, FED đã hành động tương đối kịp thời, đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư chứng khoán.

Ở chiều ngược lại, ông Cấn Văn Lực nêu rõ: Việc FED tiếp tục cắt giảm lãi suất đã chứng tỏ nền kinh tế của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng trở nên bất ổn và khó khăn hơn. Điều này sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam qua việc giảm nhu cầu về thương mại, hoạt động đầu tư, trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, khó khăn nhiều hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì đánh giá, việc FED giảm lãi suất để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế và điều này phù hợp với yêu cầu của tổng thống Mỹ là muốn kinh tế Mỹ tăng trưởng để ủng hộ cho việc tái tranh cử thì đồng USD sẽ bị giảm giá.

Mỹ và Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cả 2 đồng tiền USD và NDT đều giảm giá sẽ tạo thách thức rất lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

“Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam thì hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam sẽ rẻ hơn, có nguy cơ tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, cạnh tranh và gây sức ép mạnh mẽ với các doanh nghiệp Việt. Nếu các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất và công nhân sẽ mất việc làm”, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Trước những ảnh hưởng lớn, có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ quan chức năng cần chú trọng cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tỷ giá đối với Việt Nam sẽ rất khó khăn bởi giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam rất thấp. Nếu điều chỉnh tỷ giá thì lượng nhập khẩu sẽ tăng lên. Khi nhập khẩu tăng, các nguồn nguyên vật liệu để cung cấp cho xuất khẩu cũng sẽ tăng, điều này sẽ kéo theo giá hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, trong khi giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Mỹ lại giảm xuống. Đây là điều Việt Nam cần cân nhắc kỹ.

Cùng với đó, Việt Nam cần kiểm soát rất chặt chẽ biên mậu, tức việc xuất khẩu lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không thông qua thủ tục hải quan hoặc đánh thuế. Đối với tình hình thế giới, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cần có những kịch bản phù hợp để tránh việc tạo ra bất ngờ đối với kinh tế, thương mại đầu tư tài chính tiền tệ của Việt Nam./.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.