Forbes: 5 động cơ giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc năm 2017

Tầng lớp trung lưu tăng lên, đầu tư nước ngoài mạnh và các doanh nghiệp tư nhân ngày càng mở rộng sẽ là lực đẩy cho kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính một phần ba dân số hiện vẫn sống ở mức nghèo. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định GDP hơn 200 tỷ USD và lợi thế giá sản xuất rẻ hơn Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, tăng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Kinh tế Việt Nam năm ngoái tăng trưởng 6,3%. Chính phủ dự báo con số này năm nay là 6,8%. Theo Forbes, dưới đây là những động cơ giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu này.

1. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được hồi sinh hoặc thay thế

Tổng thống đắc cử Mỹ - Donald Trump được dự báo rút khỏi TPP. Việc này sẽ khiến các nước xuất khẩu như Việt Nam chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan rằng điều này không xảy ra. Còn nếu không, Việt Nam cũng đã tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có cả các cường quốc kinh tế như Nhật Bản hay Trung Quốc.

Việt Nam có thể ký hiệp định song phương với các nước TPP khác nếu Mỹ từ chối phê chuẩn hiệp định này. Việt Nam cũng nằm trong danh sách đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. Khối này sẽ bao phủ 30% GDP toàn cầu.

2. Việt Nam vẫn tiếp tục tạo cơ hội đầu tư cho công ty nước ngoài

Việt Nam được dự báo tiếp tục nhận đầu tư lớn từ nước ngoài. Ảnh: Reuters

Nhà đầu tư nước ngoài đã hưởng lợi từ thuế nhập khẩu thấp, nhờ các hiệp định thương mại. Một số còn được nhiều ưu đãi thuế khác. Năm 2015, Việt Nam đã tăng cường minh bạch về các quy định với đầu tư từ nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh tốc độ cấp phép.

Năm ngoái là năm chuyển dịch cho những thay đổi này. Và đến năm 2017, Việt Nam sẽ "bắt đầu hưởng lợi từ hệ thống pháp lý cạnh tranh và có tổ chức hơn. Việc này sẽ có tác động tích cực trong thu hút FDI và giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trên thế giới", Oscar Mussons - cố vấn kinh doanh quốc tế tại Dezan Shira & Associates cho biết.

3. Người dân ngày càng có thu nhập cao và chi tiêu nhiều

Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, lên 33 triệu người. Theo Boston Consulting Group, việc này cũng có nghĩa tiêu dùng sẽ tăng theo. Những người thuộc nhóm này có thể kiếm ít nhất 714 USD một tháng, đủ chi cho điện thoại, xe máy, du lịch, chăm sóc y tế. Mức lương ở Việt Nam đang tăng, nhờ sự bùng nổ nhóm việc làm liên quan đến sản xuất theo định hướng xuất khẩu.

4. Các nhà máy đang chuyển sang sản xuất hàng giá trị cao

Sản phẩm công nghệ cao đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, đạt 25% năm 2015, so với chỉ 5% năm 2010. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Các khoản đầu tư tỷ USD của các đại gia điện tử như Hon Hai Precision, Intel và Samsung sẽ là lực đẩy cho sự chuyển dịch này.

Điện tử đang thay thế các mặt hàng sản xuất truyền thống trong nhà máy, như dệt may, da giày. Giới chức Việt Nam muốn tăng kim ngạch xuất khẩu hằng năm thêm 8% - 10% năm nay, Louie Nguyen - biên tập viên tại VietnamAdvisors cho biết. Xu hướng này sẽ mang đến kỹ năng mới, mức lương cao hơn và doanh thu lớn hơn cho các công ty sản xuất hàng giá trị cao.

5. Các doanh nghiệp tư nhân đang mở rộng

Việt Nam được đánh giá vẫn còn chậm chạp trong việc đẩy mạnh hoạt động của các công ty tư nhân. Việc này khiến nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dù các sản phẩm trên lý thuyết vẫn có thể được làm trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân tại đây đang tăng lên, đặc biệt trong các ngành dệt may và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Các hãng bia, startup trong ngành truyền thông, giải trí và thanh toán đang bùng nổ. Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cũng sẽ giúp doanh nghiệp mới giải quyết vấn đề thiếu vốn.

Theo Hà Thu/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói