Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

(Baohatinh.vn) - Bước vào hè, liên tiếp những vụ đuối nước trẻ em thương tâm ở Hà Tĩnh lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về câu chuyện “cũ mà mới”.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Lực lượng chức năng và người dân nỗ lực tìm kiếm thi thể 2 học sinh bị đuối nước trên bãi biển Thiên Cầm vào ngày 18/1/2020.

Chiều ngày 7/5/2020, em Nguyễn Đình B. (SN 2005 – học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Thiên Cầm – Cẩm Xuyên) cùng nhóm bạn chơi thể thao tại bãi biển Thiêm Cầm. Vì thời tiết nắng nóng, B. đã xuống biển tắm và không may bị đuối nước.

Dù phát hiện sự việc, nhưng nhóm bạn và người dân đã không thể cứu được em. Hai ngày sau, thi thể B. mới được tìm thấy tại bãi biển Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), cách nơi em gặp nạn khoảng 10 km.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Bến đò thôn Thọ Ninh - nơi em Mai Văn V. bị đuối nước thương tâm.

Một tuần sau sự việc đau lòng đó, trên sông La, đoạn qua địa bàn thôn Thọ Ninh (xã Liên Minh - Đức Thọ) lại tiếp tục ghi nhận một vụ việc tử vong thương tâm do đuối nước. Nạn nhân là em Mai Văn V. (SN 2010).

Được biết, chiều 14/5, V. xin phép người lớn ra sông La tắm mát. Dù biết bơi nhưng gặp chỗ nước sâu, V. đã bị cuốn vào và không thoát ra được. Khi người dân phát hiện sự việc thì đã quá muộn.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Trẻ em nhảy cầu tắm sông tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao (Ảnh Thiên Vỹ).

Gần đây nhất, ngày 15/5, người dân thôn Lệ Định (xã Sơn Tiến – Hương Sơn) bàng hoàng phát hiện thi thể em Phan V.Ơ (SN 2006, học sinh lớp 7B – Trường THCS Sơn Tiến) dưới một khe nước trên địa bàn khi em Ơ. đi chăn trâu không may bị sẩy chân.

Liên tiếp những cái chết thương tâm do đuối nước là những nỗi đau không có gì bù đắp được cho gia đình, người thân các em và là hồi chuông cảnh báo cho xã hội. Mặc dù, mỗi năm, cứ vào hè là câu chuyện cảnh báo đuối nước lại được nhắc đến, thế nhưng, những sự việc đau lòng vẫn diễn ra.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Một buổi phát thanh măng non tuyên truyền phòng chống đuối nước của các bạn nhỏ Trường Tiểu học Đức Long (Đức Thọ).

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 12 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Từ thực trạng đó, ngành LĐ-TB&XH, ngành Giáo dục & Đào tạo và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã có kế hoạch phối hợp thường niên trong phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh thiếu niên – Trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Bùi Thị Liên cho biết: “Khác với mọi năm, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian học sinh nghỉ hè muộn và ngắn hơn nên các các cấp bộ đoàn, đội sẽ tập trung tuyên truyền phòng chống đuối nước tại trường học nhiều hơn. Theo đó, các trường học sẽ triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức như bảng tin, loa phát thanh măng non, sinh hoạt ngoại khóa; tăng cường nhắc nhở, quản lý học sinh trong và sau giờ học”.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Biển cảnh báo đuối nước được Đoàn thanh niên xã Thạch Xuân (Thạch Hà) cắm tại điểm có nguy cơ trên địa bàn (Ảnh Giang Nam).

Cùng với đó, hoạt động dạy bơi, học bơi cho học sinh, đặc biệt là học sinh các vùng có nhiều nguy cơ đuối nước cũng sẽ được tăng cường trong trường học.

Ngoài ra, nhiều đoàn thanh niên cơ sở đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân giám sát con em sau giờ học để hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng.

Gần 5 tháng, Hà Tĩnh xảy ra 14 vụ trẻ em đuối nước

Hoạt động dạy bơi, học bơi sẽ được tăng cường trong trường học (Trong ảnh: Giờ học bơi của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang).

Không chỉ vào hè, nhà trường, ngành chức năng luôn sẵn sàng các phương án tuyên truyền, phòng chống đuối nước, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của gia đình và chính các em. Mong rằng, dù thời gian nghỉ hè năm nay không dài như mọi năm nhưng học sinh Hà Tĩnh vẫn sẽ có một mùa hè an toàn.

Chủ đề Đuối nước, chết đuối

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.