Gập ghềnh đường đến trường...

(Baohatinh.vn) - Không chỉ địa hình cách sông, cách suối mới khiến con đường đến trường của các em học sinh gập ghềnh, gian nan mà ngay những nỗi lo sách vở, áo quần cùng các khoản đóng nộp cũng khiến hành trình đến trường của nhiều học sinh nghèo thêm nhọc nhằn.

gap ghenh duong den truong

Học sinh thôn Tân Xuân, xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) cuốc bộ gần chục cây số đường rừng để đến lớp. Ảnh: Tấn Long

Nói đến cô bé Võ Thị Lệ Thủy, học sinh lớp 7A, Trường THCS Quang Trung (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh), nhiều người dân trong xóm Hạ tấm tắc ngợi khen về tấm lòng hiếu thảo, sự đảm đang, ngoan ngoãn. Bố mất sớm, mẹ bị bệnh nằm liệt giường 2 năm nay, mọi lo toan trong gia đình đều dồn lên vai 2 anh em Thủy.

Trọng trách ấy với em giờ lại càng lớn khi người anh vừa đi học nghề ở xa, mình Thủy ở nhà vừa đi học, vừa chăm lo cho mẹ mọi thứ từ viên thuốc, miếng ăn, giấc ngủ. Thế nên, so với bạn bè cùng trang lứa, hoàn cảnh gia đình đã sớm rèn luyện cho em tính chịu thương chịu khó và cả sự chín chắn, trưởng thành. Ít ai biết rằng, không đêm nào Thủy ngủ ngon giấc bởi ngoài những lần tỉnh dậy để cho mẹ uống nước, vệ sinh, em còn luôn thấp thỏm về tình hình sức khỏe của mẹ.

Thủy tâm sự: “Cuộc sống của mẹ con em đều trông chờ vào sự trợ giúp của hai bên nội, ngoại và những tấm lòng hảo tâm nhưng cũng không thể trông chờ mãi như thế, nên cứ mỗi kỳ nghỉ hè, em lại tranh thủ nấu thêm ấm nước chè, mua thêm mớ chanh, ra chợ bán kiếm tiền mua thức ăn, vở, áo quần, còn sách thì đã có anh chị đi trước để lại”.

gap ghenh duong den truong

Sau giờ học, em Võ Thị Lệ Thủy, học sinh lớp 7A, Trường THCS Quang Trung (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) lại tất tả về nhà chăm sóc mẹ

Ý định bỏ học cũng đã không ít lần xuất hiện trong suy nghĩ của Thủy, nhưng thương con còn nhỏ lại có học lực giỏi, mẹ em đã hết sức động viên. Thêm vào đó, sự quan tâm, chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm đã tiếp thêm động lực giúp Thủy tiếp bước. Năm nay, chặng đường đến lớp của em vì vậy đã bớt mệt mỏi hơn khi người bác vừa cho mượn chiếc xe đạp điện cũ, em không còn phải đi nhờ xe bạn nữa. Điều em lo lắng nhất là vào năm học mới sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc mẹ hàng ngày.

Với cô bé Phan Thị Thùy Linh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Mỹ Lộc (Can Lộc), nỗi buồn không chỉ là sự thiếu vắng tình cảm của cha mà còn thiếu bàn tay chăm sóc thường xuyên của mẹ. Hoàn cảnh bắt buộc nên dù mới lên lớp 4, em đã sớm trở thành “người lớn” thay mẹ chăm sóc, đốc thúc 2 em học hành (đứa học lớp 2, đứa học mẫu giáo).

Nói về những đứa con của mình, chị Trần Thị Trí không giấu nổi nghẹn ngào: “Bố cháu mất do tai nạn lao động, để lại cho mẹ con gánh nặng nợ nần. Sau cú sốc tinh thần ấy, tôi lấy các con làm động lực để tiếp tục sống. Vừa để trả nợ, vừa nuôi con, tôi làm tất cả mọi công việc từ chạy chợ đến xin ruộng bỏ hoang của người dân làm thêm, nhưng mẹ con cứ ốm đau triền miên nên cuộc sống hết sức khó khăn”.

Chị Trí đành để các con ở nhà tự chăm nhau, còn mình đi giúp việc ở TP Hà Tĩnh, lâu lâu có công chuyện mới về thăm nhà. Thùy Linh cho biết: “Mỗi lần nhìn gia đình các bạn sum vầy, các bạn được bố mẹ chở đi học là em trào nước mắt, chỉ ước mỗi sớm mai thức dậy có mẹ ở cạnh bên. Thế nhưng, mẹ phải đi kiếm tiền cho chúng em đến trường nên em phải gắng học thật giỏi và nhắc nhở 2 em ngoan ngoãn”.

Con đường đi học của chị em Linh cũng gian nan khi không có mẹ bên cạnh, tự chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Dẫu vậy, với các em, cơm có bữa nhịn bữa ăn nhưng việc học luôn được duy trì đều đặn. Và, điều mừng hơn là 2 chị em đều chăm ngoan, học giỏi.

Dẫu còn rất nhiều khó khăn, nhưng mỗi ngày đến trường, em Nguyễn Thị Thỉn, lớp 12 A2 Trường THPT Đức Thọ dường như quên đi điều đó để nỗ lực thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo. Nói về nữ sinh giàu nghị lực này, thầy giáo Nguyễn Văn Niệm - Phó Bí thư Đoàn trường THPT Đức Thọ cảm phục: “Bố bị bệnh thần kinh, hầu như không cho ai đến gần, mẹ đi làm thuê biền biệt để nuôi anh trai học đại học, Thỉn cùng người em tuy có nhà nhưng không được về mà phải ở nhờ nhà mự và dì. Hoàn cảnh khó khăn nhưng Thỉn rất chịu khó và chăm chỉ. Dù không được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi nhưng Thỉn xin các thầy, cô cho em học cùng để củng cố và nâng cao kiến thức, mong muốn biến ước mơ được làm giáo viên trở thành hiện thực”.

Để lo cho cuộc sống, sau mỗi buổi đi học về, vội vàng nấu cơm đưa về nhà cho bố, Thỉn lại lầm lũi chăm lo vun xới 4 sào ruộng và tranh thủ đi hái đậu, bắt cua đồng, ốc bán lấy tiền mua thức ăn. Thỉn cho biết: “Để tiếp tục việc học, em đã phải cố gắng rất nhiều. May mắn là thỉnh thoảng có nguồn tiền của các tổ chức hảo tâm trợ giúp nên em mua được đồng phục, giấy bút, trang trải tiền học thêm cho năm cuối cấp. Sách giáo khoa cùng các loại sách tham khảo thì em được bạn bè, các anh chị giúp đỡ và nhà trường cũng đã miễn giảm tiền học phí. Đó là động lực để em tiếp tục cố gắng trên con đường thực hiện ước mơ của mình”.

Không may mắn như nhiều bạn, con đường đến trường của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn gập ghềnh bởi những gánh nặng lo toan. Nhưng, trên tất cả, nghị lực vượt lên hoàn cảnh để chạm tới ước mơ đã mang đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.