Gặp lại cô gái Hà Tĩnh mở đường Quyết Thắng

(Baohatinh.vn) - Mỗi lúc nhớ đồng đội và nhớ về con đường 20 - Trường Sơn, chị Lê Thị Vòng lại hát vừa đủ mình nghe: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang vọng núi rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường...”.

Gặp lại cô gái Hà Tĩnh mở đường Quyết Thắng

Chị Lê Thị Vòng những ngày ở Trường Sơn. Ảnh Tư liệu do nhân vật cung cấp

Chị Vòng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), vùng quê của Anh hùng Phan Đình Giót. “Tháng 6/1965, tôi vừa học xong lớp 7 phổ thông thì nghe lời kêu gọi tổng động viên thanh niên “ba sẵn sàng” của Trung ương Đoàn nên về xin phép cha mẹ cho đi. Dẫu thương con đứt ruột, nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng, gia đình đành chấp nhận nguyện vọng của tôi”.

Hai ngày sau, chị Vòng đã nhập vào dòng người hành quân về phía sông Cà Roòng (Quảng Bình) để thực hiện một sứ mệnh lớn - mở đường Trường Sơn xuyên qua lòng núi, với tên gọi tràn đầy niềm tin và hy vọng: Đường 20 - Quyết Thắng.

Hơn 6 năm cùng đồng đội TNXP chốt giữ trọng điểm K52 ngầm Cà Roòng, chị đã hiểu được thế nào là ngầm sâu, thác lũ và Trường Sơn “bên nắng đốt, bên mưa quây”. Trọng điểm ngầm Cà Roòng là mục tiêu số 1 mà địch đã phát hiện được từ lâu và âm mưu bằng mọi giá chặt đứt mạch huyết quản trên con đường Trường Sơn.

Có những lúc, từ 5h sáng ngày hôm nay đến 6h sáng ngày hôm sau, cả cánh rừng Trường Sơn không ngớt tiếng thét gầm của động cơ máy bay phản lực. Chị Vòng còn nhớ như in, ngày 23/6/1966, Cà Roòng phải hứng tới 19 trận mưa bom với 154 quả bom và 10 loạt đạn rốc-két. Với số lượng bom đạn khủng khiếp đó, giặc Mỹ tưởng sẽ làm tê liệt tinh thần và ý chí lực lượng TNXP. Nhưng không, địch càng phá bao nhiêu thì những bàn tay cầm ven, cầm cuốc, vác đá lát đường qua ngầm càng có sức mạnh kỳ diệu bấy nhiêu.

Chị Vòng kể: “Đánh tọa độ với đủ các loại bom từ trường, bom bi, bom na-pan chưa đủ, chúng còn chế ra loại vũ khí trinh sát điện tử bằng loại “cây nhiệt đới” nằm ẩn nấp trong các lùm cây. Thời gian đầu khi chưa phát hiện ra “cây nhiệt đới”, rất nhiều người bị thương vong vì “tên chỉ điểm” này.

Những ngày tham gia mở đường ở ngầm Cà Roòng, chị Vòng cùng đồng đội đã xem cái chết nhẹ như lông hồng. Có hôm, máy bay sà xuống thấp và ném bom trúng trọng điểm nơi chị và cả đơn vị đang làm đường. Sau tiếng bom kinh hoàng ấy, 4 đồng chí của đại đội bị bom xé nát từng mảnh. Khâm liệm đồng đội xong, sáng hôm sau, chị Vòng lại tiếp tục cùng mọi người cầm cuốc, cầm ven, nổ mìn phá đá, san lấp tiếp đoạn đường vừa bị bom Mỹ phá.

Gặp lại cô gái Hà Tĩnh mở đường Quyết Thắng

Đường 20 - Quyết Thắng xuyên giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ảnh Internet

Một trong những kỷ vật quý giá mà chị Vòng còn giữ lại đến tận hôm nay là cuốn nhật ký chiến trường. Trên những trang giấy đã hoen màu thời gian, ký ức những ngày đánh Mỹ đầy gian khổ, đau thương vẫn vẹn nguyên. Thỉnh thoảng, chị Vòng lại lần giở từng trang để đọc và lại rưng rưng thương nhớ…

Chị Lê Thị Vòng bây giờ đã là mẹ, là bà trong tổ ấm gia đình và đã ngoài 70 tuổi. Tháng 12/1971, sau khi xuất ngũ, chị Vòng được chuyển ngành về công tác tại Ban Thương binh - Lao động - Xã hội, thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 4/2004, chị Vòng về hưu và trú tại tổ dân phố 7, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh.

Điều đáng quý nhất của người cựu TNXP là trong cuộc sống đời thường luôn thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất một đảng viên mẫu mực được tôi luyện từ quá khứ. Chị thường bảo với bạn bè và người thân rằng: “So với nhiều người khác, tôi may mắn và hạnh phúc hơn nhiều. Đồng đội của tôi giờ có nhiều người gặp cảnh ngộ éo le lắm. Người quá tuổi xuân phải chịu cảnh đơn chiếc, người đau yếu do hậu quả của chiến tranh, người sinh con bị chất độc màu da cam...”.

Mỗi số phận đều chứa một phần lịch sử đau thương không thể nói bằng lời làm cho nữ cựu TNXP trằn trọc, day dứt nhiều đêm không ngủ. Giọt nước mắt của chị chia thành hai nửa, một nửa gửi về chiến trường xưa, một nửa gửi cho đồng đội cũ hiện tại. Những giọt nước mắt ấy trở thành những nghĩa cử tri ân đồng đội.

Gặp lại cô gái Hà Tĩnh mở đường Quyết Thắng

Đồng đội cũ của chị Vòng chụp ảnh lưu niệm trong chuyến trở lại thăm đường 20 Quyết Thắng. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Bằng sự kiên nhẫn, với nhiều cách làm sáng tạo như điện thoại, nhắn tin, gửi thư thăm hỏi, dần dần chị Vòng đã cùng với chị Đài, anh Tình, anh Mai... kết nối được với đồng đội của mình tổ chức thăm lại chiến trường xưa và thành lập Ban Liên lạc TNXP đường 20 - Quyết Thắng. Hiện nay, chị Vòng thường cùng với đồng chí mình đến thăm hỏi gia đình đồng đội đã hy sinh ở Trường Sơn năm xưa và những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; lặng thầm gõ cửa các cơ quan, đơn vị để gom góp xây nhà tình nghĩa cho họ, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay, chung sức giúp các cựu TNXP vượt qua những vất vả đời thường.

Đáng nhớ nhất là năm 2017, sau nhiều nỗ lực, chị đã tìm kiếm được danh tính 167 liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn. Sau đó, chị tìm được 161 thân nhân các liệt sỹ để trao quà trong dịp 27/7.

Mỗi lần làm được một điều gì đó cho đồng đội, chị Vòng lại cảm thấy phấn chấn lạ thường. Chị luôn nhắc mình phải sống làm sao cho có ích với cuộc đời.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.