Giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023.
Ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Động thái này của ngành điện đã gây áp lực lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (Cụm Công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi đi thị trường Nhật Bản, Ai Cập, Bangladesh... Dây chuyền máy móc hoạt động 24/24h, tiêu thụ lượng điện năng lớn nên việc tăng giá điện đã tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Giá điện tăng 3%, mỗi tháng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh tiêu tốn hơn 60 - 72 triệu đồng tiền điện.
Ông Phạm Anh Tuấn – Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Mỗi tháng, đơn vị phải chi trả từ 2 - 2,4 tỷ đồng tiền điện. Giá điện tăng 3% đồng nghĩa doanh nghiệp phải tốn hơn từ 60 - 72 triệu đồng tiền điện/tháng. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó, đơn hàng sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, chi phí sản xuất tăng, lãi ngân hàng cao thì giá điện tăng thực sự là “gánh nặng” đối với doanh nghiệp. Từ đầu năm lại nay, doanh nghiệp lỗ 5 tỷ đồng và dự kiến tới đây tình hình chưa thể khả quan hơn”.
Thị trường truyền thống sản phẩm mực shushi của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) là Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2023 Nhật Bản yêu cầu các sản phẩm thực phẩm nhập vào quốc gia này phải có chứng chỉ đánh bắt nguyên liệu đầu vào. Theo đó, thay vì mua nguyên liệu trong nước, Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh phải mua mực từ Indonesia với giá cao hơn.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh, hiện nay tất cả chi phí phục vụ dây chuyền sản xuất đều tăng trong khi giá thành sản phẩm của khi xuất khẩu không tăng là “bài toán khó”. Tính riêng trong quý I/2023, doanh nghiệp lỗ 760 triệu đồng.
Cũng theo ông Cường, là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đông lạnh nên tiêu tốn nhiều điện năng. Điều đáng nói, giờ thấp điểm (giá điện 1.133 đồng/kWh) thì doanh nghiệp tập trung cho sản xuất và chủ yếu bảo quản sản phẩm ở giờ cao điểm (giá điện 3.171 đồng/kWh). Bởi vậy giá điện tăng là sức ép đối với doanh nghiệp.
Khách sạn Eagle Hà Tĩnh duy trì thường xuyên các thiết bị sử dụng điện.
Theo ghi nhận, không riêng doanh nghiệp sản xuất gặp khó mà các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú cũng phải chịu không ít áp lực khi giá điện tăng.
Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc điều hành khách sạn Eagle Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Lượng khách tới khách sạn sau dịch COVID-19 tuy có khởi sắc song không đều. Du lịch Hà Tĩnh chủ yếu vào mùa hè, còn mùa đông khách lưu trú rất ít. Trong khi khách sạn vẫn phải duy trì các thiết bị điện để tránh hư hỏng; hoạt động giặt, là, sấy diễn ra thường xuyên nên tiêu tốn điện năng. Bình quân mỗi tháng, khách sạn sử dụng trên 300 triệu tiền điện, nếu bây giờ tăng giá, mỗi năm chúng tôi phải chi thêm hơn 100 triệu đồng tiền điện”.
Từ khi có quyết định tăng giá bán điện, các hộ dân đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Hà Tĩnh cũng “đừng ngồi không yên”.
Anh Nguyễn Duy Bảy – chủ siêu thị mini Bảy Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) ái ngại: “Ngoài hệ thống đèn chiếu sáng, quạt điện, cơ sở còn lắp đặt hệ thống điều hoà, tủ đông để bảo quản sản phẩm. Hiện nay, giá điện tăng, mỗi tháng cơ sở sẽ phải chi trả thêm khoảng 1,2 triệu đồng. Về lâu dài sẽ phát sinh lượng lớn chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi của siêu thị”.
Siêu thị Bảy Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) sử dụng nhiều thiết bị điện.
Dự báo mùa hè năm nay nắng nóng gay gắt diện rộng với nền nhiệt độ cao kỷ lục. Để giảm áp lực cho lưới điện và tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần chú ý thay dây dẫn kém chất lượng, sử dụng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng. Lưu ý tắt đèn, tắt các thiết bị điện không cần thiết; sử dụng các thiết bị điện dán nhãn tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt; bật máy điều hòa khi cần thiết và vừa đủ sử dụng (từ 26oC trở lên).. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thay thế các thiết bị máy móc cũ kỹ, quan tâm đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến nhằm chống tổn thất điện năng, sử dụng thiết bị phù hợp với chức năng làm việc. Các khách hàng sản xuất có trạm biến áp chuyên dùng nên hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm trong các tháng nắng nóng và thực hiện điều chỉnh phụ tải DR (tức là cắt giảm phụ tải không ảnh hưởng đến sản xuất)... |