Bên cạnh sản xuất – kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên thì tín dụng tiêu dùng là “điểm ngắm” của các ngân hàng thương mại với mục tiêu tăng trưởng dư nợ giai đoạn nửa cuối năm 2025.
Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và phát triển, người dân Hà Tĩnh đã “mạnh tay” hơn trong tiêu dùng với nhu cầu về nhà ở, bất động sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình phục vụ nhu cầu đời sống... Đặc biệt, nhóm tín dụng phục vụ mua nhà ở, đất ở… dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong quý IV/2025, mở ra kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng của các “nhà băng”.

Đón đầu cơ hội, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh đã “chạy” các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho phân khúc tiêu dùng. Không chỉ kỳ hạn vay ngắn mà các gói vay trung và dài hạn, khách hàng cũng được hưởng ưu đãi về lãi suất. Sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng đã tạo nguồn lực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Hà Tĩnh, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế và góp phần quan trọng hạn chế tình trạng "tín dụng đen", nhất là khu vực nông thôn.
Chị Trần Thị Thùy Anh – nhân viên Đại lý Hyundai Hà Tĩnh chia sẻ: Từ quý II/2025 trở đi, sức bán tại showroom tăng khá. Hiện nay, có khoảng 30 - 40% khách hàng mua ô tô tại showroom có nhu cầu vay ngân hàng, thế chấp bằng chính xe ô tô. Dự báo càng về cuối năm, nhu cầu mua ô tô tăng cao, đây là cơ hội để các ngân hàng phát triển tín dụng tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Tín dụng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: Nhu cầu vay vốn mua đất ở, nhà ở, mua xe ô tô… có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2025. Vietcombank đang triển khai các chương trình tín dụng phục vụ tiêu dùng (có tài sản đảm bảo) lãi suất ngắn hạn chỉ từ 5,2 %/năm, lãi suất cố định 12 tháng là 6,3%/năm… Ngoài ra, nhiều khách hàng lựa chọn chương trình cho vay tín chấp dành cho những người nhận lương qua Vietcombank. Theo đó, từ ngày 1/4/2025 - 31/12/2025, cán bộ, công nhân viên có thu nhập ổn định và nhận lương qua Vietcombank có thể vay tiêu dùng mà không cần thế chấp tài sản với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm tùy theo vị trí công việc. Nhu cầu vay vốn tiêu dùng gia tăng đã góp phần đẩy dư nợ chung của chi nhánh tăng trưởng khá. Tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh hiện đạt 18.058 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 2.530 tỷ đồng.

Ở phân khúc cho vay nhà ở, bất động sản cũng kỳ vọng tăng trưởng giai đoạn nửa cuối năm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, loạt ngân hàng thương mại đã “chạy” gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc này. Theo đó, BIDV Hà Tĩnh đang áp dụng gói mua nhà quy mô 40.000 tỷ đồng từ hệ thống dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi với lãi suất cố định 5,5% trong 3 năm đầu, miễn trả gốc trong 5 năm đầu, thời gian vay tối đa 40 năm.
Cũng trong phân khúc nhà ở, từ tháng 3/2025 – 31/12/2025, SHB Hà Tĩnh triển khai chương trình tín dụng ưu đãi từ hệ thống phục vụ nhu cầu mua nhà, đặc biệt là người trẻ với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm, miễn trả gốc lên đến 60 tháng đầu tiên; thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi lên đến 1 năm và thời gian vay tối đa lên đến 35 năm…
Các chuyên gia kinh tế dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm 2025 nhờ thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục sau khi các bộ luật liên quan có hiệu lực và các khó khăn về pháp lý dần được tháo gỡ.
Anh Lê Văn Hoàng (phường Thành Sen) cho hay: "Chưa bao giờ người trẻ như chúng tôi lại có nhiều cơ hội vay vốn ưu đãi phục vụ mua nhà ở, đất ở như giai đoạn này. Từ hệ thống ngân hàng Nhà nước đến khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh đều thiết kế các sản phẩm tín dụng linh hoạt về lãi suất và khung thời hạn trả nợ dài. Sau thời gian tích góp, vừa qua chúng tôi đã quyết định vay thêm 900 triệu đồng để đổi chỗ ở khang trang hơn."

Theo ghi nhận, ngoài những khoản vay lớn như: làm nhà ở, mua đất, sửa nhà, mua xe ô tô…, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng mạnh dịp năm học mới, dịp cuối năm sẽ tạo "cơ hội vàng" để các "nhà băng" phát triển các hợp đồng tín dụng.
Ngoài vay vốn trực tiếp, tỷ lệ khách hàng vay vốn trực tuyến theo hình thức cầm cố sổ tiết kiệm online cũng có xu hướng tăng thời gian gần đây. Với kênh vay vốn hiện đại này, ngoài khách hàng được hưởng lợi thì còn tạo nền tảng để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giao dịch trên ngân hàng số.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 8, dư nợ tiêu dùng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh hiện đạt trên 16.868 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Tĩnh tăng trưởng và mở rộng. Từ đây, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại du lịch và dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Theo lãnh đạo NHNN Khu vực 8, xác định dư địa tăng trưởng tín dụng tiêu dùng giai đoạn nửa cuối năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025.