EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Reuters
Giá khí đốt trong phiên giao dịch ngày 5/4 đã giảm 5,1%, khi nền nhiệt tại châu Âu được cho là sẽ ấm lên từ nửa cuối tháng 4 này, cùng với đó là nhiều chuyến tàu chở LNG sẽ cấp cảng châu Âu theo đúng kế hoạch. Sản lượng điện gió cũng tăng lên ở nhiều nước tại châu Âu.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang đẩy mạnh điều phối, tham vấn để đưa ra các vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga. EU dự kiến đề xuất quy định bắt buộc về lộ trình giảm tiến đến ngừng nhập khẩu than đá từ Nga, nhưng tạm thời chưa đề cập đến kế hoạch trừng phạt dầu mỏ, khí đốt nhập khẩu của Nga.
Nga đến thời điểm này vẫn cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng nguồn khí đốt này tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước thông báo quyết định những nước thuộc diện “không thân thiện” sẽ phải thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Nhiều khách hàng tại châu Âu vẫn đang trong giai đoạn đánh giá tác động, ảnh hưởng từ biện pháp này của Nga. Một số nước nhập khẩu ít khí đốt của Nga như Đan Mạch, Litva đã bác bỏ yêu sách này. Theo Đại sứ Nga tại Đan Mạch, Moskva dự kiến sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Đan Mạch nếu nhà nhập khẩu nước này là Orsted không thanh toán khoản hợp đồng tới đây bằng đồng rúp.
Điều này khiến EU quan ngại, bởi nhiều nước trong khối sẽ cần phải đặt mua thêm khí đốt tích trữ trong mùa hè này, đủ mức để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Thông thường, các lô khí đốt được Nga giao hàng trong tháng 4 sẽ có hạn chót thanh toán là tháng 4 hoặc tháng 5, tùy theo hợp đồng ký kết.