Thế giới khi không có khí đốt của Nga

Với nguồn cung không thể cải thiện ngay lập tức, việc EU giảm mua khí đốt Nga sẽ tạo ra một cuộc giành giật LNG giữa châu Âu và châu Á.

Hôm 2/4, Lithuania cho biết đã ngừng mua khí đốt từ Nga. Quyết định này không gây ra nhiều khó khăn cho ngân sách Nga vì Lithuania là một quốc gia nhỏ. Nhưng vì là thành viên của Liên minh châu Âu, quyết định của họ có tầm quan trọng địa chính trị ở tính biểu tượng.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu diễn ra cấp bách hơn tuần này. Các nhà lãnh đạo tiếp tục tranh luận về cách trừng phạt Nga mà không khiến châu Âu có nguy cơ mất nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng quá nhanh.

EU muốn chấm dứt phụ thuộc khí đốt Nga vào năm 2030. Trước mắt, trong vòng một năm, họ muốn giảm được hai phần ba lượng khí đốt mua của Nga, vốn chiếm 40% sản lượng mà họ mua năm ngoái. Vậy khối lượng cắt giảm khổng lồ này được thay bằng cách nào? Họ đặt cược vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn mua 50 tỷ mét khối LNG năm tới, chiếm khoảng một nửa lượng khí đốt của Nga mà họ muốn cắt giảm. Cùng với đó, họ dự tính mua thêm khí đốt thông qua các đường ống từ Na Uy và Azerbaijan. Họ cũng muốn giảm tiêu thụ bằng cách tăng cường các dự án điện gió và mặt trời, đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm điện.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, châu Âu sẽ phải vật lộn để có thể thay thế nguồn khí của Nga trong thời gian ngắn. Đó là một lý do khiến Đức đưa ra các kế hoạch ứng phó khi thiếu khí đốt.

Theo đó, Chính phủ Đức giờ quyết định cần ít nhất 4 bến cảng nhận LNG để xoay sở nếu bị Nga cắt nguồn cung và giảm bớt phụ thuộc nước này trong tương lai. Chi phí giờ dường như trở thành cân nhắc thứ yếu.

Hầu hết khí đốt mà châu Âu mua từ Nga được cung cấp thông qua các đường ống trên đất liền hoặc dưới biển. LNG chỉ là lựa chọn cho những nguồn cung xa, khi không có đường ống kết nối. Khi đó, khí cần được làm lạnh để hóa lỏng rồi chuyển lên tàu chuyên dụng. Đến cảng tiếp nhận, nó phải được hóa khí trở lại. “Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng các ga tiếp nhận LNG”, Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết.

Với việc tăng mua LNG, EU có thể phải chi tiêu khoảng 50 tỷ USD mỗi năm với mức giá cao như hiện tại. Nhưng họ có thể tiết kiệm được nhiều nếu đạt được một hợp đồng cung cấp dài hạn từ Mỹ.

Vấn đề hiện là cả thế giới sẽ ảnh hưởng khi EU muốn dừng mua khí đốt Nga để chuyển sang các nguồn khác. Điều này làm tăng khả năng về một cuộc giành giật khí đốt ở cấp độ toàn cầu mà các nhà phân tích cho là đang khá nóng. Châu Á thường là điểm đến chính của LNG. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những người mua hàng đầu trong năm ngoái.

Lượng khí đốt mà EU muốn bổ sung năm tới sẽ làm tăng nhu cầu toàn cầu thêm 10%. Triển vọng đó có thể khiến giá khí đốt đã chạm mức kỷ lục trong những tháng gần đây, tiếp tục ở mức cao. Ví dụ, cuối tuần trước, hóa đơn năng lượng của hàng triệu người tiêu dùng Anh đã tăng 54%, phần lớn là do chi phí khí đốt tăng vọt. Giá hợp đồng tương lai không có dấu hiệu giảm.

“Trong ba năm tới, cuộc cạnh tranh LNG sẽ rất gay gắt”, Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách khí đốt của Wood Mackenzie, đánh giá. Theo ông, cả châu Âu và châu Á sẽ giành nhau nguồn cung như cùng kéo một chiếc chăn về phía mình để khỏi lạnh.

“Rõ ràng trong ngắn hạn, bạn không thể thay thế lượng khí đốt đó”, James Henderson, Chủ tịch chương trình khí đốt tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đánh giá.

Ngay trước khi giới chức EU hành động, dòng LNG đến châu Âu cũng đã tăng vọt gấp 7 lần so với một năm trước. Nguyên nhân là giá cao thu hút các nhà xuất khẩu từ Qatar, Australia và nhất là Mỹ. Sự giàu có về năng lượng mang lại ảnh hưởng chính trị. Washington muốn cung cấp LNG để giúp châu Âu phá vỡ các liên kết năng lượng với Nga, một mục tiêu lâu nay của một số chính trị gia Mỹ.

Vào ngày 25/3, chính quyền Biden và Liên minh châu Âu đã đồng ý rằng Mỹ sẽ “cố gắng đảm bảo” ít nhất 15 tỷ mét khối LNG năm nay cho EU, tương đương 10% lượng khí đốt mà châu Âu nhập từ Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, cam kết này có thể đạt được, nhưng chủ yếu là do động lực thị trường hơn là các chính sách của chính phủ. Trong ba tháng đầu năm 2022, ít nhất 115 chuyến hàng LNG rời khỏi các cơ sở của Cheniere Energy, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Mỹ và hướng đến châu Âu. Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Di Odoardo, lượng LNG từ Mỹ xuất sang châu Âu đã đạt được hai phần ba mục tiêu song phương cho năm nay. Hiện tại lại mới đầu tháng 4 nên mục tiêu là dễ dàng.

Thế giới khi không có khí đốt của Nga

Một cơ sở LNG đang xây dựng của Cheniere Energy vào năm 2020 tại cảng Corpus Christi, Texas. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, không lập tức mà Mỹ có thêm sản lượng để tăng bán cho châu Âu. Để giúp EU, Washington đã phải đi thuyết phục các quốc gia khác giảm mua, bao gồm cả Nhật Bản. Nhưng theo thời gian, những nhượng bộ này khó đạt được nếu chiến sự ở Ukraine kéo dài và thị trường thắt chặt hơn nữa.

“Trong điều kiện hiện tại, tôi không nghĩ rằng Nhật Bản có đủ khả năng để cam kết lâu dài về các lô hàng LNG”, Michitaka Hattori, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Nga & NIS Nhật Bản, đánh giá.

Cách chắc chắn nhất để giảm giá khí đốt là bổ sung thêm nguồn cung. Nhưng thường mất hơn hai năm để xây dựng các cơ sở chế biến khí đốt, chẳng hạn như nhà ga tiếp nhận LNG mà Đức muốn xây dựng. Đó là chưa kể nhu cầu LNG đã tăng 6% vào năm 2021, có khả năng tiếp tục tăng khi Trung Quốc và các quốc gia khác đang chuyển sang sử dụng khí đốt thay cho than đá.

“Tôi nghĩ rằng thị trường khí đốt mùa đông sẽ vẫn rất eo hẹp do sự chuyển dịch của châu Á từ than sang khí đốt”, Marco Alverà, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Snam (Italy), dự báo.

Cheniere Energy đang có kế hoạch mở rộng cơ sở xuất khẩu của mình tại Corpus Christi, Texas (Mỹ). Qatar cũng cho biết họ đang nghiên cứu khai thác thêm một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, các nhà phát triển vẫn phải cảnh giác về việc liệu sự bùng nổ nhu cầu hiện tại ở châu Âu có thể tàn lụi trước khi các dự án LNG mới đưa vào hoạt động. Phía châu Âu từng khẳng định họ xem khí đốt như một giải pháp tạm thời trước khi đủ nguồn cung năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và hydro. “Có một dấu hỏi về việc sẽ cần bao nhiêu khí đốt mới”, ôngHenderson thuộc Viện Oxford nói.

Theo NYT/VNE

Đọc thêm

Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên cân bằng ngay sát Ngày Bầu cử

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trên toàn quốc về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 được kênh truyền hình NBC News công bố ngày 3/11 cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đều nhận được 49% sự ủng hộ từ cử tri đã đăng ký.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.