Nga tuyên bố đóng băng hợp đồng khí đốt không trả bằng ruble

Ông Putin tuyên bố quốc gia “không thân thiện” sẽ bị đóng băng hợp đồng khí đốt nếu không mở tài khoản ngân hàng Nga và thanh toán bằng ruble.

“Chúng ta sẽ cung cấp cho nhà thầu từ các quốc gia này kế hoạch rõ ràng và minh bạch. Để mua khí đốt tự nhiên Nga, họ phải mở tài khoản đồng ruble tại các ngân hàng Nga. Tài khoản này sẽ thanh toán những lô khí đốt được cung cấp từ ngày 1/4”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp về các vấn đề của ngành hàng không ở ngoại ô Moskva hôm nay. Ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp khí đốt với khối lượng và mức giá được ấn định theo hợp đồng hiện có. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng tiền tệ Nga là vấn đề Moskva đã chốt và các nước không thể thương lượng.

“Không ai bán bất cứ thứ gì miễn phí và chúng ta cũng sẽ không làm từ thiện. Nghĩa là, các hợp đồng hiện có sẽ bị tạm dừng nếu không thanh toán bằng đồng ruble”, ông Putin cho hay. “Nếu các khoản thanh toán bằng đồng ruble không được thực hiện, chúng ta sẽ xem như người mua không thực hiện nghĩa vụ. Họ sẽ chịu những hậu quả”.

Nga tuyên bố đóng băng hợp đồng khí đốt không trả bằng ruble

Tổng thống Nga Putin chủ trì cuộc họp về các vấn đề của ngành hàng không ở ngoại ô Moskva. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Putin cho biết ông đã ký một sắc lệnh vạch ra quy trình “rõ ràng và minh bạch”. Tất cả khoản thanh toán sẽ được xử lý bởi ngân hàng Gazprombank, công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom. Người mua sẽ chuyển các khoản thanh toán vào tài khoản Gazprombank bằng ngoại tệ, sau đó ngân hàng sẽ chuyển đổi thành ruble và chuyển vào tài khoản ruble của người mua.

Những quốc gia bị Nga coi là “thiếu thân thiện” gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Giới chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Nga nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các lệnh cấm vận. Với các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.

Khi quyết định của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn duy trì các hợp đồng mua khí đốt với Moskva.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết nước này và Đức đang chuẩn bị tình huống Nga cắt giảm vận chuyển khí đốt trong trường hợp họ không thanh toán bằng đồng ruble.

“Có thể xảy ra tình huống ngày mai sẽ không còn khí đốt từ Nga. Chúng tôi phải chuẩn bị cho những tình huống này và chúng tôi đang chuẩn bị”, ông Le Maire nói sau cuộc hội đàm tại Berlin hôm nay với người đồng cấp Đức Robert Habeck.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố các khoản thanh toán cho khí đốt mua từ Nga sẽ được thực hiện bằng đồng euro hoặc USD.

Theo Huyền Lê/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.