Trong phiên giao dịch kết thúc vào ngày 22/4, giá vàng thế giới giao ngay giảm mạnh 64 USD, đạt mức 2.327 USD mỗi ounce, là mức thấp nhất trong vòng một tuần. Sự giảm của kim loại quý này cũng là mức mạnh nhất trong hơn một năm qua.
"Rủi ro xung đột tại Trung Đông đã bị loại trừ, khiến nhà đầu tư bán vàng. Câu hỏi hiện tại là vàng sẽ bị bán đến khi nào", Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận định.
Cuối tuần trước, Iran cho biết sẽ không trả đũa Israel vì cuộc tập kích hôm 19/4. Động thái này được đánh giá nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Kim loại quý cũng chịu sức ép khi thị trường chứng khoán Mỹ đi lên. Chốt phiên 22/4, chỉ số DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng gần 1%. Việc này khiến nhu cầu mua vàng giảm sút.
Hồi đầu tháng, căng thẳng địa chính trị và lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương có thời điểm kéo giá vàng lên kỷ lục 2.431 USD một ounce. Tính từ đầu năm, giá đã tăng gần 20%.
Nhà đầu tư hiện chờ báo cáo Chỉ số Tiêu dùng Cá nhân (PCE) của Mỹ, sẽ công bố cuối tuần này, để có thêm manh mối về thời điểm giảm lãi suất. PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Austan Goolsbee cuối tuần trước cho biết cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ "đang chững lại". Ông là quan chức mới nhất ra tín hiệu Fed sẽ không sớm giảm lãi suất.
"Giá vàng vẫn có thể lập đỉnh nếu PCE cho thấy lạm phát hạ nhiệt. Chúng tôi vẫn kỳ vọng lực mua tại châu Á mạnh, do đây là công cụ phòng trừ biến động tỷ giá tại châu Á", Ghali nhận định.
Giá các kim loại quý khác hôm qua cũng lao dốc. Bạc giảm 5% xuống 27,2 USD một ounce - mức thấp nhất hơn 3 năm qua. Bạch kim và palladium cũng mất 1%, xuống 923 USD và 1.013 USD một ounce.
Theo Reuters, Kitco)