Giá vàng miếng SJC sáng nay được các doanh nghiệp niêm yết sát 82 triệu đồng một lượng chiều bán ra và mua vào 80 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với hôm qua.
Tuy nhiên, đến 16h10 chiều, kim loại quý giảm về 78,8 - 80,8 triệu đồng một lượng, hạ 1,2 triệu đồng ở chiều mua và bán so với buổi sáng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá loại vàng này ở mức 78,4 - 80,4 triệu đồng một lượng, cũng giảm trên một triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giá mua bán hiện được thu hẹp về vùng 2 triệu một lượng. So với mức đỉnh thiết lập hôm 12/3, mỗi lượng vàng miếng đang thấp hơn khoảng 1,7-2,1 triệu đồng (tùy giá tại từng doanh nghiệp).
Vàng nhẫn trơn 24K tại SJC cũng giảm về 68,45 - 69,75 triệu đồng một lượng. Tương tự, tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn bán ra giảm về mức 68,45 - 70,25 triệu đồng một lượng. Mức này giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua và bán so với hôm qua.
Giá vàng trong nước diễn biến trái chiều với thị trường thế giới. Giá giao ngay thế giới chốt phiên 20/3 tăng gần 47 USD, lên mức đỉnh mới là 2.203 USD một ounce. Hiện tại, giá vẫn dao động quanh mốc này. Sáng nay, kim loại quý có thời điểm chạm 2.210 USD.
Quy đổi theo tỷ giá (tại Vietcombank là 24.950 đồng/USD), hiện chênh lệch giữa giá vàng miếng và thế giới dao động 14,6 triệu đồng một lượng, giảm gần 2,5 triệu so với ngày giá kim loại quý lập đỉnh.
Hôm qua, trước việc thị trường vàng biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ Nhà nước độc quyền sản xuất loại vàng này. Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.
Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Ông đề nghị không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia.