Giá vàng vọt tăng lên đỉnh cao mọi thời đại, đà tăng còn tiếp tục?

Giá vàng thế giới tăng không ngừng, chốt ở mốc 2233 USD/ounce, kỷ lục mọi thời đại và dự báo có thể tiếp tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC cũng tăng trở lại bất chấp các thông tin có thể kéo giá giảm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch rạng sáng 29/3 (giờ Việt Nam) tăng vọt. Vàng giao ngay tăng thêm gần 40 USD, lên 2.233 USD/ounce trong khi vàng giao tháng 6 tăng thêm hơn 60 USD, lên mức gần 2.255 USD/ounce. Đây đều là mức cao kỷ lục mới.

Đây cũng là mức giá cuối tuần và cuối tháng 3, do giao dịch được rút ngắn lại 1 ngày trước kỳ nghỉ cuối tuần dài Lễ Phục sinh.

Tính cả tuần, giá vàng giao ngay đã tăng 2,7%, còn trong tháng 3 vàng tăng 9% sau khi đã tăng 8% trong tháng 2 - đợt tăng mạnh nhất trong vòng 3 năm qua.

Cú bứt phá trong phiên cuối cùng của tháng càng trở nên ấn tượng khi đồng USD tăng khá mạnh. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - tăng lên 104,59 điểm.

Trong nước, vào 9h sáng 29/3, giá vàng SJC lên mức 81,4 triệu đồng/lượng (bán ra), sau hơn một tiếng lại được điều chỉnh giảm về 81 triệu.

Có thể thấy, giá vàng thế giới tiếp tục bứt phá mạnh sau khi tăng rất nhiều trong tháng 2 và cuối năm 2023. Giới đầu tư, từ cá nhân cho tới tổ chức và cả ngân hàng trung ương các nước, tiếp tục tìm đến vàng khiến mặt hàng này “tăng không phanh”, liên tiếp lập các đỉnh cao mới ngay từ đầu năm 2024.

giavangnguyenhue14-356 (1).jpg
Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh. Ảnh: HH

Vàng tiếp tục tăng mạnh dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trì hoãn giảm lãi suất. Động lực để vàng tăng giá được kỳ vọng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm nay, khi Fed có thể có 3 lần cắt giảm lãi suất.

Giá vàng bứt phá không chỉ bởi kỳ vọng Fed giảm lãi suất (qua đó khiến đồng USD giảm giá) mà còn bởi lo ngại căng thẳng địa chính trị.

Thế giới trong vài năm gần đây đầy bất ổn, với căng thẳng địa chính trị lên cao ở Ukraine, Trung Đông. Gần đây là khủng bố tại Nga. Cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới cũng như một nền kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng kéo dài nhiều năm qua,... cũng góp phần khiến dòng tiền tìm đến vàng.

Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang nóng trở lại tại nhiều khu vực, trong đó có Mỹ. Lạm phát cao khiến Fed trì hoãn giảm lãi suất, nhưng không thể trì hoãn kéo dài vì có thể dẫn tới suy thoái. Trong khi đó, vàng lại là một loại tài sản phòng ngừa rủi ro tốt, khi mà lạm phát lên cao, giá cả hàng hóa leo thang.

Quán tính còn lớn, có thể lập kỷ lục cao mới

Rất nhiều dự báo cho rằng, giá vàng có thể tăng tiếp và lập kỷ lục cao mới trong phần còn lại của năm. Giá vàng giao ngay có thể lên mức 2.400 USD/ounce (tương đương gần 73 triệu đồng/lượng), thậm chí có những dự báo lên 3.000 USD/ounce.

Daniel Ghali - chiến lược gia mảng hàng hóa của Chứng khoán TD Securities - cho rằng, vàng đang có vị thế giao dịch rất tốt. Giá kim loại quý này có thể tăng cao hơn nếu Fed cắt giảm sâu lãi suất.

Điều mà nhiều người kỳ vọng vàng có tăng tiếp còn nằm ở khả năng thay đổi chính sách của Fed.

Hiện lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% - vốn đã được Fed đặt ra trong vài chục năm qua. Tuy nhiên, chuyên gia Chris Gaffney đến từ EverBank nhận định, Fed có thể chấp nhận một mức mục tiêu cao hơn.

Trên Kitco, Darin Newsom, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart, cũng cho rằng, đợt tăng vũ báo của giá vàng gần đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng Fed sẽ không thể kiểm soát lạm phát khi cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Khả năng Fed vẫn giữ kế hoạch giảm lãi suất điều hành (khiến USD giảm) và chấp nhận lạm phát tăng cao. Cả hai yếu tố này sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho mặt hàng kim loại quý.

Bất ổn địa chính trị vẫn chưa hạ nhiệt và có thể còn gia tăng trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

Đồng USD cũng được dự báo sẽ giảm giá không chỉ vì Fed sẽ giảm lãi suất, mà còn do nợ của Chính phủ Mỹ tăng dựng đứng trong vài năm qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có một báo cáo lý giải về việc tại sao các ngân hàng trung ương trên thế giới bán tháo USD để mua vàng. Theo đó, trong kỷ nguyên hiện đại, vàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, là hàng rào chống lạm phát, tài sản trú ẩn an toàn và tài sản dự trữ cho các ngân hàng trung ương trong một thế giới đầy bất ổn. Gần 2 thập kỷ qua thế giới trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Brexit, đại dịch Covid, bất ổn địa chính trị...

Dù vậy, nhiều chuyên gia dự đoán, vàng sẽ có một đợt điều chỉnh trước khi tăng trở lại. Vàng đang được hỗ trợ mạnh ở ngưỡng 2.150 USD/ounce, và quán tính tăng giá vẫn khá mạnh, nhất là khi đã vượt qua ngưỡng 2.200 USD/ounce.

Giới đầu tư hiện chờ thông tin về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ sẽ công bố vào đêm 29/3 (giờ Việt Nam) và tình hình thị trường lao động của nước này (công bố trong tuần tới).

Trong nước, giá vàng sẽ có thay đổi theo chính sách quản lý thị trường vàng.

Có nhiều ý kiến đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Hiện vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới quy đổi 14-15 triệu đồng/lượng. Nếu đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC được chính thức thông qua, giá vàng sẽ quay đầu lao dốc.

vietnamnet.vn

Chủ đề Biến động giá vàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast