‘Son of Saul’ - Tác phẩm mẫu mực về đề tài Thế chiến thứ II

Từng thắng giải Oscar hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” hồi đầu năm, bộ phim của điện ảnh Hungary là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của HANIFF 2016.

“Địa ngục trần gian” là lời nhận xét quen thuộc mỗi khi nhắc đến các trại tập trung của Đức Quốc xã. Dù đã hơn 75 năm trôi qua trôi qua, dư chấn mà chúng để lại vẫn khiến người ta không khỏi rùng mình ghê sợ.

Chủ đề Holocaust (thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II) luôn là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim trên toàn thế giới thỏa sức sáng tạo. Ngay trong bộ phim đầu tay mang tên Son of Saul, đạo diễn László Nemes đã mang đến cho người xem một cái nhìn vừa độc đáo, vừa tàn khốc về trại Auschwitz, thông qua câu chuyện thấm đẫm tình người.

 of saul tac pham mau muc ve de tai the chien thu ii
Son of Saul nhận được rất nhiều lời khen ngợi kể từ lần đầu ra mắt hồi năm 2015. Phim cũng góp mặt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2016.

Nhân vật chính trong phim là Saul Ausländer (Géza Röhrig) - một người Do Thái bị trục xuất khỏi quê nhà Hungary và trở thành tù nhân ở trại tập trung Auschwitz, Ba Lan vào năm 1944.

Tại đây, anh phải lao động như một thành viên của Sonderkommando - một biệt đội do phát xít Đức thành lập, bao gồm các tù nhân Do Thái khỏe mạnh, đảm nhận một công việc khủng khiếp. Đó là dọn dẹp sạch sẽ lò thiêu cũng như thi thể các tù nhân sau khi chứng kiến nhiều đồng bào của mình bị sát hại.

Trong một ca làm việc, Saul phát hiện thấy xác một cậu bé nằm lẫn trong số những thi thể chuẩn bị được đưa vào lò thiêu. Vì muốn chôn cất đứa bé tử tế, Saul bèn nhận đó là con mình và tìm người giúp đỡ hoàn thành tâm nguyện ấy.

Cách dẫn dắt câu chuyện của đạo diễn László Nemes dành cho Son of Saul tương đối khó nắm bắt. Bởi vị đạo diễn đã cố tình bóp nghẹt thời lượng hơn 100 phút của bộ phim bằng bầu không khí ngột ngạt đến khó thở. Ông chủ động dùng góc máy hẹp, quay cận cảnh, chủ yếu để máy sau lưng hoặc xoay xung quanh gương mặt nhân vật chính Saul Ausländer.

 of saul tac pham mau muc ve de tai the chien thu ii
Bầu không khí của Son of Saul rất ngột ngạt bởi nhiều cảnh quay cận mặt.

Trong khi đó, khung cảnh tàn bạo xung quanh thì bị làm mờ đầy chủ ý, khiến người xem chỉ có thể loáng thoáng thấy từ xa những con người đang bị kéo lê vào lò thiêu, những vết máu lênh láng trên sàn nhà, hay đám xác người chất thành từng đống như cỏ rác...

Lựa chọn ấy khiến László Nemes không thể phô bày nhiều cảnh quay đẹp mắt như các tác phẩm điện ảnh khác. Nhưng anh lại biết cách khỏa lấp khuyết điểm đó bằng việc xử lý âm thanh rất tốt.

Tiếng súng nổ vang trời từ xa, tiếng kêu khóc, cào cấu, đập cửa dữ dội của những tù nhân đang bị nhốt trong lò thiêu ở những giây phút cuối của cuộc đời… tất cả đều được tạo dựng tinh tế, tạo hiệu ứng thính giác mạnh mẽ và đem đến cho người xem cảm giác bồn chồn, xót xa.

Không thể không kể đến màn diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên Géza Röhrig trong vai chính Saul Ausländer. Điều đặc biệt rằng anh không phải là diễn viên chuyên nghiệp, mà vốn là một nhà thơ kiêm giáo viên đang sinh sống tại New York, Mỹ.

 of saul tac pham mau muc ve de tai the chien thu ii
Thành công của bộ phim có sự đóng góp lớn lao của Géza Röhrig, một người diễn viên nghiệp dư.

Ban đầu, người xem cảm giác rằng Géza Röhrig còn hơi khô cứng và gồng mình trong diễn xuất. Nhưng càng về sau, anh càng nhập tâm vào nhân vật và gần như độc diễn trong xuyên suốt bộ phim. Chính sự hóa thân tuyệt vời của Géza Röhrig đã chiếm được sự đồng cảm từ khán giả, ngay cả với những người chưa từng sống qua thời kỳ chiến tranh.

Son of Saul khiến người xem cảm thấy số phận con người trong thời kỳ Thế chiến thứ II thật nhỏ bé. Nhân vật Saul Ausländer và toàn thể các thành viên của Sonderkommando đều chịu chung một số phận. Họ rồi sẽ bị giết chết bằng cách này hay cách khác.

Song, bộ phim càng tiếp diễn, người ta càng cảm nhận thấy Saul không còn quan tâm đến tính mạng của mình nữa. Bởi “đứa con” không cùng chung huyết thống nay là tia sáng duy nhất mà anh có được giữa nơi tăm tối của địa ngục. Anh mải mê chạy hết nơi này đến nơi khác, không phải vì muốn đứa bé ấy sống lại, mà đơn giản chỉ để tìm chỗ chôn cất tử tế cho nó.

Tính nhân văn của bộ phim thể hiện thông qua từng cử chỉ, hành động của nhân vật Saul Ausländer cũng chính là lời nhắn nhủ của đạo diễn dành cho người xem về giá trị của cuộc sống.

Ngay từ khi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2015, Son of Saul đã nhận được vô vàn lời khen ngợi. Sau đó, phim tiếp tục giành giải Oscar năm 2016 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, qua đó trở thành tác phẩm điện ảnh thứ hai của Hungary làm được điều đó sau Hanussen (1988).

Son of Saul đang được trình chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV năm nay.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast