Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nên tình hình gian lận sử dụng điện từ đầu năm lại nay trên địa bàn Hà Tĩnh có xu hướng giảm.
Ampe kìm là thiết bị giúp phát hiện tình trạng gian lận sử dụng điện.
Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý 57 vụ gian lận sử dụng điện (giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020), truy thu 102.806 kWh điện (giảm 16.070 kWh điện so với cùng kỳ năm 2020), tương đương số tiền hơn 329 triệu đồng (giảm hơn 50 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020).
Các đơn vị có số vụ gian lận sử dụng điện lớn như: Điện lực Kỳ Anh 16 vụ (truy thu 17.157 kWh điện, tương đương trên 54 triệu đồng); Điện lực Cẩm Xuyên 9 vụ (truy thu 25.931 kWh điện, tương đương trên 82 triệu đồng); Điện lực Thạch Hà 9 vụ (truy thu 11.018 kWh điện, tương đương trên 34 triệu đồng); Điện lực Hương Khê 8 vụ (truy thu 11.794 kWh điện, tương đương trên 37 triệu đồng)…
Hành vi “ăn cắp” điện bằng cách đấu trực tiếp vào cầu chia áp, không qua công tơ đo đếm.
Theo phân tích, sở dĩ những địa phương này xảy ra nhiều vụ gian lận sử dụng điện là do địa bàn rộng, số lượng khách hàng lớn nên có những thời điểm ngành điện chưa thể kiểm soát hết. Hơn nữa, hiện đang là giai đoạn nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi một bộ phận khách hàng thiếu ý thức trong sử dụng điện…
Được biết, các hành vi gian lận sử dụng điện chủ yếu thời gian qua vẫn là câu móc trực tiếp trên lưới điện; phá niêm phong, mở hộp công tơ, đấu vào trong cực của hộp công tơ; đảo cực tính của công tơ, câu nguội ngoài…
Điện lực Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra lưới, kiểm tra công tơ khách hàng có dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời phát hiện các vụ gian lận sử dụng điện.
Ông Trần Sỹ Bưởi - Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh thông tin: “Để giảm thiểu tình trạng gian lận điện, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, Công ty Điện lực Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân về việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường kiểm tra lưới, kiểm tra công tơ khách hàng có dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời phát hiện và xử lý; tiếp tục đưa các thiết bị chống gian lận sử dụng điện vào hoạt động; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xử lý các vụ việc gian lận sử dụng điện”.
Việc gian lận sử dụng điện không chỉ gây thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn gây mất an toàn lưới điện, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn điện đáng tiếc trong dân. Do vậy, ngoài trách nhiệm của ngành điện, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh công tác truyền thông và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để tạo sức răn đe trong cộng đồng.