Gian nan thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự (THADS) là “khâu” cuối cùng trong chuỗi hoạt động tố tụng, có yếu tố quyết định đến hiệu lực của bản án. Thế nhưng, việc đảm bảo cho phán quyết tòa án được thi hành trên thực tế lại là bài toán oái oăm khiến không ít lần đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án chỉ biết “bật khóc”.

Lực lượng cảnh sát cơ động trong một vụ cưỡng chế đất đai.
Lực lượng cảnh sát cơ động trong một vụ cưỡng chế đất đai.

Sáng 17/3/2011, bị cáo Trần Danh Đóa (nguyên Giám đốc Công ty CP XNK Hà Tĩnh) bỗng dưng… ngã bệnh, buộc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty CP XNK Hà Tĩnh phải hoãn.

Thoát cảnh “hầu tòa” lại “gặp may” khi cơ quan điều tra thiếu sót trong quá trình kê biên nên vị giám đốc đã “nhanh chân” tẩu tán tài sản bằng cách bán lại nhà đất cho con. Sau khi bản án có hiệu lực, chấp hành viên thuộc Cục THADS tỉnh đến cưỡng chế đối với Trần Danh Đóa thì mới vỡ lẽ bởi... không còn gì nữa.

Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện tréo ngoe mà các cán bộ THADS gặp phải, bởi hiện tại, cơ chế bảo đảm thi hành quyết định bản án không được pháp luật thiết kế từ khi xét xử. Kẽ hở này đã tạo điều kiện cho người buộc phải thi hành án có cơ hội tẩu tán tài sản.

Đối với các vụ án hình sự, cơ quan điều tra chỉ quan tâm quá trình phạm tội mà “quên” rằng người phạm tội còn có nghĩa vụ phải bồi thường. Trên địa bàn Hà Tĩnh, án dân sự trong hình sự chiếm tỷ lệ 60-65%, nhưng phần lớn lại là trọng án nông thôn (giết người, cờ bạc, trộm cắp...). Đây được nhận định là loại tội phạm có nhận thức pháp luật kém, điều kiện kinh tế thấp nhưng tinh thần… chống đối lại rất cao.

Đối với án hình sự, quá trình THA có thể kéo dài đến 3 năm. Bởi việc vừa thi hành phạt tù lại vừa thi hành phạt tiền là “quá sức” với các đối tượng. Với người đang chấp hành phạt tù, việc vào trại để điều tra, xác minh THA hết sức khó khăn và tốn kém.

THA chủ yếu là thi hành tiền và tài sản. Nhưng phần lớn các đương sự khi ra tòa đều có chung tình trạng “không còn gì để mất” nên không ít lần cán bộ THA phải tự bỏ tiền túi để chi trả án phí cho… đương sự. Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Văn Cường trăn trở: “Đương sự không có khả năng THA sẽ dẫn đến tồn đọng án, dù xét xử đã diễn ra từ lâu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi không hoàn thành trách nhiệm đối với công việc. Tuy nhiên, THA còn phải phụ thuộc vào điều kiện của đương sự, nhưng nếu người đó chưa hoàn thành nghĩa vụ, mọi người luôn nhìn nhận đó là yếu kém của ngành”.

Cùng quan điểm với ông Cường, Phó cục trưởng Võ Thuần Nho chia sẻ: “Ở thành phố lớn, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế phát triển, cơ chế bảo đảm tài sản thế chấp sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn đối với công tác THA. THA đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng bởi nếu không thực hiện được thì quá trình điều tra sẽ bị ảnh hưởng. Tuy vậy, công tác này lại bị cắt khúc, thiếu sự liên kết và đồng bộ”.

Năm 1993, công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ TAND các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ theo nghị quyết của Quốc hội. Ngày 1/7/1993, hệ thống tổ chức THADS được xây dựng theo cơ cấu từ T.Ư đến cấp huyện. Kể từ đó, công tác THA trở nên nặng nề hơn. Với tính chất công việc phức tạp, công cụ hỗ trợ không có, phương tiện, vật dụng hoàn toàn phụ thuộc vào ngành khác khiến chấp hành viên thường xuyên lâm vào thế bị động. Cưỡng chế tài sản buộc phải có ô tô vận chuyển tài sản về kho lưu trữ nhưng trên thực tế, đội ngũ chấp hành viên phải… tự xắn tay làm. Bởi thuê xe để cưỡng chế là điều tối kị. Không chỉ khó khăn trong vấn đề phương tiện mà vận chuyển về rồi cũng không biết để đâu. Trong 12 chi cục THA trên toàn tỉnh chỉ có 3 chi cục (Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh) có chỗ chứa. Còn lại ở các chi cục khác, tài sản, phương tiện của đương sự thu về đành phải gửi tạm ở nơi khác.

Thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh cũng là trở ngại lớn đối với công tác THA. Vào mùa mưa bão, các ngành chức năng đi cứu trợ cho đồng bào lũ lụt nên các chấp hành viên rất khó cưỡng chế. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành còn thiếu mặn mà trong việc phối hợp với đội ngũ THA: ngân hàng né tránh việc cung cấp thông tin tài khoản của đương sự; bảo hiểm xã hội tìm cách chần chừ kéo dài thời gian; chính quyền địa phương đôi khi cũng đối phó...

Năm 2013, Hà Tĩnh có đến 4.200 vụ việc, tăng 700 vụ việc so với năm trước. Án tăng, áp lực công việc lớn, trong khi đội ngũ cán bộ vẫn giữ nguyên, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến cho công tác THA trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Có lẽ, đến thời điểm hiện tại, không có cơ quan nào thực thi pháp luật, nhân danh nhà nước mà lại không có được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng như THA. Phải chăng, vì thế, những người “đòi nợ thuê” vẫn đang phải “khóc” từng ngày!

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.